Toàn bộ 12 chỉ tiêu năm 2018 sẽ hoàn thành toàn diện
Thường trực Chính phủ đã nghe, thảo luận về báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2018, kế hoạch kinh tế xã hội năm 2019, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Điều đáng phấn khởi là trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được, dự báo toàn bộ 12 chỉ tiêu năm 2018 sẽ hoàn thành toàn diện.
Cũng tại phiên họp, Thường trực Chính phủ đã nghe, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện các Báo cáo đánh giá để trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8. Đặc biệt là chuẩn bị kỹ các nội dung trước khi trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 và Kỳ họp Quốc hội thứ 6.
Cũng trong ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Các Ủy viên gồm: Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT.
Với chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ đóng một vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời gian tới.