Toàn hệ thống chính trị, kinh tế sẽ vào cuộc để đạt tiêu chí cao nhất từ EVFTA

21:11 | 07/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là khẳng định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khi đánh giá về quá trình thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định này.

Toàn hệ thống chính trị, kinh tế sẽ vào cuộc để đạt tiêu chí cao nhất từ EVFTA - ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu trả lời phỏng vấn về  EVFTA. Ảnh: DNVN/Minh Hoa.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Hiệp định EVFTA chỉ cần được Quốc hội phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định của Hiệp định (dự kiến 30 ngày) là sẽ chính thức có hiệu lực.

Việc phê chuẩn này là một sự kiện có tác động tốt về mặt tâm lý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam và EU, bị tác động lớn bởi dịch COVID-19.

Hiệp định sẽ mở ra những thị trường lớn và mới mẻ cho doanh nghiệp Việt, tạo sự lạc quan về mặt tâm lý, đặc biệt đây là cột mốc đánh dấu vị trí của Việt Nam trong mối quan hệ địa - chính trị toàn cầu.

“Ngay khi Hiệp định có hiệu lực thì toàn hệ thống chính trị, kinh tế của Việt Nam sẽ vào cuộc để đạt được những tiêu chí cao nhất đã đề ra”, ông Hiếu khẳng định.

Đây cũng là lý do để vị chuyên gia kinh tế này đưa ra khuyến cáo đối với các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh Việt Nam hết sức thận trọng trước yêu cầu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Mọi hoạt động mang tính gian lận xuất xứ hàng hóa, vi phạm sở hữu trí tuệ trong quá trình thực thi EVFTA sẽ bị ngăn chặn, xử lý bởi các biện pháp mạnh từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là các cơ quan an ninh mạng, quản lý về công nghệ thông tin.

“Nếu chúng ta không thực hiện được những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, sở hữu trí tuệ thì Hiệp định sẽ khó có thể thực hiện một cách hoàn hảo. Việt Nam phải tiên phong trong các biện pháp thực hiện phòng ngừa hoạt động lừa đảo, ăn cắp trí tuệ để đáp ứng đúng quy định của EVFTA”, ông Hiếu khuyến cáo.

Khi được hỏi về tác động tích cực từ EVFTA với Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021, nhất là trước tác động của COVID-19, ông Hiếu cho rằng tác động sẽ chưa thật sự nhiều. Bởi vì đối với EU hiện nay, kịch bản lạc quan nhất cũng chỉ đưa ra mức tăng trưởng 1% trong năm nay, trong khi kịch bản tồi tệ nhất là nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng âm.

Cũng như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, ông Hiếu nhận định EVFTA có thể làm thương mại Việt Nam - EU tăng lên, song đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp EU vào Việt Nam chưa thể tăng đột biến ngay lập tức.

Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, ông Hiếu cho rằng, thông thường, các ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu đi theo cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, việc ngân hàng EU “đổ bộ” vào Việt Nam như làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc hay ASEAN là không có. Thực tế cho thấy, khoảng 6-7 năm nay, nhiều ngân hàng châu Âu có xu hướng rút khỏi Việt Nam hoặc thu hẹp hoạt động, thay vào đó, một số ngân hàng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN lại tăng mạnh đầu tư sang Việt Nam.

Một số ngân hàng châu Âu đã có hiện diện tại Việt Nam dưới dạng văn phòng đại diện hoặc chi nhánh nhưng lại tương đối “cầm chừng”. Lý do của sự “cầm chừng” này có thể do quy mô thị trường nhỏ và khả năng quản lý vốn của ngân hàng Việt còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó còn chưa kể đến việc mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng vô cùng phức tạp và tốn kém.

Để tận dụng được thời cơ từ EVFTA, ông Hiếu cho rằng Việt Nam cần nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu "Made in Vietnam", làm sao để doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu biết nhiều đến thương hiệu Việt.

Cùng với đó là sự thay đổi, cải thiện về mặt thể chế, chính sách để phù hợp với các thỏa thuận mà Hiệp định đưa ra.