Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 14 khóa XII
Hội nghị Trung ương lần thứ 14 thảo luận những vấn đề về công tác nhân sự Đại hội XIII, các quy chế, quy định cũng như ngày tổ chức Đại hội.
Theo VTC News, sáng 14/12, theo kế hoạch, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương bắt đầu chương trình Hội nghị lần thứ 14 khóa XII với nhiều nội dung quan trọng. Hội nghị dự kiến kéo dài trọn tuần thứ 3 của tháng 12.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp hôm 19/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Sắp tới Hội nghị Trung ương 14 khoá XII sẽ cho ý kiến để thông qua nội dung các văn kiện và tiếp tục bàn về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Cách đây vài ngày, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cho ý kiến vào dự thảo Quy chế bầu cử tại Đại hội, Quy chế làm việc của Đại hội và Quy định nội quy sinh hoạt của đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng”.
Liên quan tới công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tại Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, để chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, sau khi Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến, trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người.
Trên cơ sở đề xuất của Tiểu ban Nhân sự, Bộ Chính trị đã họp thông qua cơ cấu và nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Căn cứ quyết định của Bộ Chính trị, Tiểu ban Nhân sự đã thông báo cho các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức việc giới thiệu nhân sự.
Tính đến 20/8/2020, có 116/116 địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu 119 Uỷ viên Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) tái cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; 107 người lần đầu tham gia Uỷ viên chính thức và 44 người tham gia Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Trước đó, ngày 8/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị để tiếp thu ý kiến đóng góp của các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cuộc họp hoàn chỉnh dự thảo lần cuối các văn kiện, chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 14, Khóa XII xem xét, quyết định, hoàn tất việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cho rằng, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Hệ thống các dự thảo báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng đã có sự thống nhất cao, thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng ta, dân tộc ta.
Hệ thống các dự thảo báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng gồm: Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm; các báo cáo chuyên đề là: Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (gọi chung là Báo cáo Kinh tế-xã hội); Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “Văn kiện là văn bia, lưu lại mãi về sau”, vì vậy việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện phải phản ánh tiếng nói chung, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dự thảo văn kiện Đại hội lần này được chuẩn bị kỹ lưỡng, góp phần vào thành công Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Theo VTC