Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT): Mười năm, một chặng đường
Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2008, hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nắm giữ 100% vốn điều lệ. EVNNPT có nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và đầu tư phát triển Hệ thống truyền tải điện quốc gia với sứ mệnh đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
EVNNPT ra đời trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị suy thoái và nền kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ngay từ những bước đi đầu tiên, Tổng công ty đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức như thiếu vốn đầu tư, giá truyền tải điện thấp, cơ sở vật chất khó khăn, lưới truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải điện, tình trạng quá tải thường xuyên xảy ra trên diện rộng ở cả 3 miền, nguy cơ sự cố cao, nhiều công trình trọng điểm chưa đáp ứng được tiến độ, đặc biệt là các công trình đồng bộ nguồn,… Trước khó khăn, thách thức đó, tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT đã hết sức nỗ lực phấn đấu, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập EVNNPT, PV Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng thành viên về quá trình vượt khó của Tổng công ty trong 10 năm qua.
PV: Xin ông cho biết 10 năm qua EVNNPT đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống điện quốc gia như thế nào?
Ông Đặng Phan Tường: Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, EVNNPT đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đứng trước tình hình đó, tập thể CBCNV EVNNPT đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, lựa chọn chính xác các vấn đề trọng yếu và tập trung mọi nguồn lực vào để giải quyết, từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo vận hành an toàn và phát triển Hệ thống truyền tải điện quốc gia đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Trong 10 năm qua, EVNNPT đã đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định với sản lượng điện truyền tải đạt hơn 1.200 tỷ kWh, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11%, qua đó đã góp phần quan trọng cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong công tác đầu tư xây dựng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng EVNNPT đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành, đưa vào vận hành 470 công trình lưới truyền tải điện, trong đó có nhiều công trình trọng điểm có vai trò rất quan trọng như các đường dây giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu,… các trung tâm điện lực Duyên Hải, Vĩnh Tân, Mông Dương, Vũng Áng,… các dự án đảm bảo cấp điện cho thủ đô Hà Nội, miền Nam và các khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước.
Trong 10 năm qua, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã phát triển rất nhanh về quy mô và ngày càng được nâng cao về chất lượng, công nghệ. Hiện nay, EVNNPT quản lý vận hành 24.423 km đường dây, tăng 2,2 lần; 142 trạm biến áp 500 kV, 220 kV, tăng 2,3 lần với tổng dung lượng là 82.438 MVA, tăng 3,7 lần so với thời điểm thành lập Tổng công ty. So sánh với các tổ chức truyền tải điện ở ASEAN, EVNNPT xếp thứ 3 về khối lượng quản lý vận hành đường dây và thứ 4 về tổng dung lượng máy biến áp.
Đến nay, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã vươn tới tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước và kết nối với lưới truyền tải điện của các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia ở cấp điện áp 220 kV với công nghệ ngày càng hiện đại.
Hệ thống truyền tải điện 220 kV đã đảm bảo vai trò “xương sống” trong hệ thống điện của các khu vực, tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Hệ thống truyền tải điện 500 kV đã đảm bảo vai trò “xương sống” trong hệ thống điện toàn quốc. Hiện nay, đã có hai mạch đường dây 500 kV Bắc - Nam và mạch 3 đang tiếp tục được hoàn thiện tạo sự liên kết vững chắc hệ thống điện cả 3 miền của đất nước; đã có các mạch vòng 500 kV nhằm tăng cường độ ổn định, tin cậy cung cấp điện ở cả khu vực miền Bắc và miền Nam, đã kết nối lưới truyền tải điện khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ ở cấp điện áp 500 kV. Do có vai trò đặc biệt quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
PV: EVNNPT đã khắc phục những khó khăn về vốn, về giải phóng mặt bằng như thế nào để hoàn thành các công trình trong 10 năm qua.
Ông Đặng Phan Tường: Ở thời điểm thành lập EVNNPT chịu ảnh hưởng từ sự suy thoái kinh tế toàn cầu và tình trạng khó khăn của đất nước, giá truyền tải điện thấp ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của EVNNPT, việc vay vốn gặp nhiều vướng mắc. Để có thể huy động đủ vốn cho công tác đầu tư xây dựng, song song với các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tiết kiệm chi phí, EVNNPT đã thực hiện nhiều giải pháp để huy động vốn như phát hành trái phiếu, tích cực làm việc với các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và quốc tế để thu xếp nguồn vốn tín dụng thương mại và ODA cho các dự án đầu tư xây dựng. Hiện nay, do Chính phủ hạn chế tối đa bảo lãnh cho các khoản vay ODA, EVNNPT đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp như chủ động làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài để tìm kiếm các hình thức huy động vốn mới như vay vốn theo hình thức không ràng buộc, vay vốn tín dụng xuất khẩu và các hình thức vay khác không có bảo lãnh của Chính phủ, chuẩn bị các điều kiện để phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế,… Trong 10 năm qua, không có dự án đầu tư xây dựng bị ảnh hưởng tiến độ do chậm thu xếp vốn.
Đối với công tác BTGPMB, đây là một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án. EVNNPT đã triển khai các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác BTGPMB như sau:
- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa EVNNPT, đơn vị quản lý dự án với các cấp chính quyền địa phương. Cử các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm cùng với Hội đồng bồi thường, Trung tâm phát triển quỹ đất, các Tổ chức quần chúng công giải thích các chế độ, chính sách của Nhà nước về BTGPMB và vận động các hộ dân và các tổ chức bị ảnh hưởng đồng thuận với phương án bồi thường được cấp thẩm quyền phê duyệt, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công đúng tiến độ.
- Phối hợp chặt chẽ với bộ phận đền bù thi công của các nhà thầu xây lắp để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác BTGPMB.
- Kịp thời báo cáo EVN các khó khăn, vướng mắc để có sự chỉ đạo và hỗ trợ giải quyết. Một số trường hợp đặc biệt, đề xuất EVN báo cáo Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ có văn bản, công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm hỗ trợ EVNNPT trong công tác BTGPMB.
- Chủ động hợp tác tốt và có hiệu quả với các cơ quan truyền thông, báo chí để cung cấp các thông tin cần thiết về dự án, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân các địa phương thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ủng hộ, hỗ trợ EVNNPT hoàn thành công tác BTGPMB dự án.
PV: Theo ông hệ thống truyền tải điện hiện nay đã đáp ứng yêu cầu phụ tải cả nước chưa. Những khó khăn thách thức và giải pháp vượt khó của EVNNPT trong thời gian tới.
Ông Đặng Phan Tường: Trong 10 năm hoạt động, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện; tăng cường năng lực truyền tải điện và kết nối hệ thống điện toàn quốc; đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước. Trong thời gian tới, EVNNPT phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như:
- Hiện nay, Hệ thống truyền tải điện quốc gia đã có quy mô tương đối lớn so với khu vực. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tổng giá trị đầu tư xây dựng của EVNNPT hằng năm vẫn tiếp tục tăng trên 10% trong khi công tác BTGPMB ngày càng khó khăn, phức tạp, công tác thu xếp vốn trong tình hình mới cũng khó khăn hơn.
- Hệ thống truyền tải điện quốc gia chưa đáp ứng tiêu chí N-1, vẫn còn tình trạng đầy và quá tải ở một số đường dây và trạm biến áp. Hệ thống 500 kV Bắc-Nam luôn tiềm ẩn khả năng xảy ra sự cố do thường xuyên phải truyền tải cao để đảm bảo cung cấp đủ điện cho miền Nam. Việc này cũng làm cho tổn thất điện năng tăng cao.
- Đảm bảo giải phóng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo trong những năm tới sẽ đấu nối vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia.
- Trong những năm tới, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức rất lớn cho lĩnh vực truyền tải điện trong việc làm chủ công nghệ và đảm bảo an toàn, an ninh vận hành hệ thống truyền tải điện.
Để vượt qua các khó khăn, thách thức trên, EVNNPT đang tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa Hệ thống truyền tải điện quốc gia và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật.
Xin cảm ơn ông. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ cán bộ, công nhân trong suốt mười năm qua đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, cùng góp sức xây dựng nên một thương hiệu Truyền tải điện Quốc gia Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững của ngày hôm nay!