Bộ trưởng Công Thương yêu cầu sớm có giá điện 2 thành phần

Đông Bắc 16:23 | 06/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại hội nghị triển khai Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu sớm có giá điện 2 thành phần.

 

Ngày 5/7, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị triển khai Nghị định số 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng  điện lớn (DPPA).

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Vụ Pháp chế rà soát, sửa đổi để sớm ban hành các hướng dẫn thực hiện cơ chế DPPA. Cùng đó, các cơ quan này phải nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm giá điện hai thành phần, trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian sớm nhất.

 Bộ trưởng Công Thương yêu cầu sớm có giá điện 2 thành phần. Ảnh EVN.

Việt Nam đang áp dụng giá một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.

Với giá hai thành phần, gồm tính theo sản lượng tiêu thụ và công suất đăng ký, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý nghiên cứu cơ chế tách giá, phí truyền tải ra khỏi điện năng.

Đây là những cơ chế có quan hệ mật thiết với DPPA. Hiện DPPA được xây dựng cho bên bán điện là đơn vị phát năng lượng tái tạo. Song năng lượng dạng này có đặc điểm là không ổn định, như điện mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, có thể sụt giảm đột ngột khi gặp mây, mưa.

Khi nguồn điện này sụt giảm, khách hàng DPPA sẽ phải mua điện từ lưới để bù vào. Do đó, để đảm bảo cung ứng điện, Nhà nước, EVN sẽ vẫn phải huy động các nguồn điện nền (than, khí, thủy điện) cho trường hợp dự phòng.

Như vậy, nếu áp dụng giá điện 2 thành phần, ngành điện sẽ tách giá và phí truyền tải ra khỏi giá thành điện năng, sẽ tạo sự đồng bộ, công bằng giữa các đơn vị mua và bán điện, trong đó có EVN, các nhà sản xuất, đơn vị sử dụng điện, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng.

Dự thảo thí điểm DPPA từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến cách đây gần ba năm, với công suất thí điểm ban đầu 1.000 MW. Thời điểm đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung đề xuất được tham gia.

Còn theo quy định hiện nay, tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 200.000 kWh được mua bán trực tiếp. Khảo sát từ các tổng công ty điện lực cho thấy khách hàng lớn sử dụng từ 200.000 kWh trở lên có khoảng 7.700 đơn vị, chiếm 36,5% tổng điện năng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng lên rất nhanh, dao động 12-13%/năm và dự kiến còn tăng cao hơn trong thời gian tới.

Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần gấp đôi công suất điện của hệ thống so với hiện nay, khoảng 150.424 MW, tương đương tăng trên 14%/năm. Đến năm 2050 có thể đạt trên 500.000 MW, gấp 6-7 lần công suất hiện nay.

Do đó, để bảo đảm cung ứng điện bảo đảm theo Quy hoạch điện VIII và yêu cầu trung hòa carbon vào năm 2050, Việt Nam cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn, hệ thống truyền tải và lưu trữ điện.

Mặt khác, cần đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đủ mạnh, khả thi để đẩy mạnh thu hút đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng tái tạo.

Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý các địa phương, đơn vị cần thực hiện đúng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII về đối tượng, phạm vi mua bán điện trực tiếp. EVN và các bên mua bán điện cần rà soát các điều kiện về kỹ thuật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, không gây sự cố đáng tiếc cho toàn hệ thống.