Tổng cục Hải quan đóng góp quan trọng vào thắng lợi nhiệm vụ tài chính-ngân sách
(DNVN) -Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Hải quan vào chiều 14/1.
Tại hội nghị, báo cáo về kết quả đã đạt được, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết: Năm 2019, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động. Trước tình hình đó với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới:
Cụ thể, từ 16/12/2018 đến 15/12/2019, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn Ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý: 17.321 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 4,14 % so với cùng kỳ năm 2018); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 3.035 tỷ 305 triệu đồng (tăng 78,29 % so với cùng kỳ 2018). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 481 tỷ 095 triệu đồng (tăng 37,08 % so với cùng kỳ 2018). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 51 vụ (giảm 17,74 % so với cùng kỳ 2018). Chuyển cơ quan khác khởi tố 164 vụ (tăng 23,31 % so với cùng kỳ 2018).
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn biến phức tạp nhận thấy nguy cơ các đối tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam để thực hiện hành vi chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, gian lận trong việc ghi nhãn hàng hóa, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu. Tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế. Phối hợp với các Bộ, ngành thống nhất và trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra xác minh thông tin vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn ASANZO và đề xuất kiến nghị tăng cường kiểm soát đối với các trường hợp tương tự rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo chặt chẽ trong quản lý nhà nước về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, cơ quan hải quan cũng đạt kết quả cao trong thu ngân sách. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, tổng số thu thuế của toàn ngành đạt 348.721 tỷ đồng, đạt 116,05% dự toán năm, đạt 110,5% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,0% so với năm 2018.
Lý giải nguyên nhân đạt được số thu nêu trên, ông Tưởng cho biết, là do Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 723/CT-TCHQ ngày 30/1/2019, đề ra giải pháp đồng bộ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), rút ngắn thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế thông qua công tác phân luồng kiểm tra hàng hóa tại khâu thông quan; tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đồng thời, do hoạt động XNK của năm 2019 tăng mạnh, đạt hơn 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó: một số mặt hàng có số thu lớn như than đá tăng 92,5% về lượng, 48,8% về trị giá làm tăng thu khoảng 3.400 tỷ đồng; dầu thô tăng 47,1% về lượng, 31% về trị giá làm tăng thu khoảng 2.100 tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc tăng 70,7% về lượng, 72,6% về trị giá làm tăng thu khoảng 16.500 tỷ đồng.
Đánh giá kết quả này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, kết quả chung của ngành tài chính đạt được trong năm 2019 vừa qua có sự đóng góp rất quan trọng của Tổng cục Hải quan. Bộ trưởng đặc biệt biểu dương thành tích xuất sắc trong công tác thu ngân sách của cơ quan hải quan đạt được năm 2019, đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu của ngân sách trung ương, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và XNK hàng hóa, Bộ trưởng ghi nhận việc Tổng cục Hải quan đã tích cực tham mưu cho Bộ Tài chính trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo tiến độ đề ra. Tính đến hết năm 2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,7 triệu hồ sơ của trên 35.000 doanh nghiệp.
Do đó, để tạo thuân lợi thương mại, Bộ trưởng nêu rõ, ngành hải quan tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại và các hoạt động XNK hàng hóa để rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa…theo đúng mục tiêu, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra. Nâng xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới từ 5 đến 10 bậc...
Mặt khác, nhằm đạt mục tiêu nêu trên, cơ quan hải quan cần tiếp tục tham mưu, đôn đốc, điều phối có hiệu quả các bộ ngành thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.
Đồng thời, ngành hải quan cần phối hợp với các bộ, ngành đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng áp dụng quản lý rủi ro; chuẩn hóa và thu hẹp danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan hàng hóa; phấn đấu cùng các bộ, ngành cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; xây dựng đề án về kiểm tra chuyên ngành được giao.
Đối với nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại và hàng giả, gian lận xuất xứ hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng chỉ đạo ngành Hải quan phải tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ trong công tác này. Xử lý nghiêm sai phạm của một số tập thể, cá nhân để xảy ra tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.