Tổng thu NSNN 2 tháng đầu năm tăng trưởng thấp, giải ngân vốn chậm
Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, luỹ kế thu 2 tháng đạt 11,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm mạnh, giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức thấp (xoay quanh mức 50 USD/thùng). Tuy nhiên, do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu Việt Nam thanh toán bình quân 2 tháng vẫn duy trì ở mức 68 USD/thùng, cao hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng ước đạt 1,8 triệu tấn, bằng 19,9% kế hoạch.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 2 tháng đạt 48,2 nghìn tỷ đồng, bằng 14,3% dự toán, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Do tác động của dịch COVID-19, đà tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đã chậm lại, trong đó kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn đều giảm. Thu cân đối NSNN đạt khoảng 32,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15,5% dự toán, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là nguyên nhân chính làm cho tổng số thu NSNN 2 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 22,5%).
Về chi NSNN và công tác quản lý, điều hành chi NSNN: Tổng chi NSNN tháng 2 ước đạt 118,7 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 2 tháng đầu năm đạt khoảng 220,6 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đó, chi đầu tư phát triển đạt 34,7 nghìn tỷ đồng, bằng 7,4% dự toán, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm 2019; chi trả nợ lãi đạt 25,5 nghìn tỷ đồng, bằng 21,6% dự toán, tăng 3,9% cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên xấp xỉ 160 nghìn tỷ đồng, bằng 15,1% dự toán, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng Chính phủ giao là 470,6 nghìn tỷ đồng, đến ngày 28/2/2020, có 51/53 (96,2%) bộ, cơ quan Trung ương và 100% địa phương gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn được giao đến Bộ Tài chính, với số vốn đã phân bổ đạt 77,3% kế hoạch được giao đối với trung ương và 98,3% kế hoạch được giao đối với địa phương.
Tiến độ giải ngân vốn 2 tháng tuy còn chậm so với yêu cầu (trên 10% dự toán), song có tiến bộ so với cùng kỳ năm 2019 (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ cả về tiến độ và mức thực hiện). Để phòng, chống dịch COVID-19, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng chống và dập dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngân sách Trung ương đã trích 517,7 tỷ đồng dự phòng năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch (Quyết định số 217/QĐ-TTg ngày 07/2/2020).
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 12.760 tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt đầu năm 2020.
Tính đến hết ngày 29/02/2020, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt 150.600 tỷ đồng chi thường xuyên (đạt 13,5% dự toán) và 32.051,2 tỷ đồng chi đầu tư phát triển (đạt 7,1% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao năm 2020 kiểm soát chi qua KBNN).
Trong 2 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 32.350 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 16,08 năm, lãi suất bình quân 3,22%/năm.