TP.HCM: Đề xuất cho công nhân làm "2 tại chỗ", ngủ ở “vùng xanh"

05:00 | 16/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đề xuất của Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, công nhân sản xuất, ăn uống tại các nhà máy nhưng ngủ ở vùng an toàn.

Chi phí hỗ trợ ít hơn

Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP và các đơn vị liên quan đề nghị cải tiến phương thức thực hiện "3 tại chỗ" tại doanh nghiệp.

Cụ thể, căn cứ vào tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Chủ tịch UBND TP.HCM về phương châm "mở rộng vùng xanh, khoanh hẹp vùng đỏ", hiệp hội đề xuất thực hiện phương án "2 tại chỗ, 1 vùng xanh".

Với phương châm này công nhân sẽ "sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ" nhưng ngủ nơi "vùng xanh" là "khu an toàn". Bên cạnh đó, ông kiến nghị giải pháp doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền phường/xã và khu phố xây dựng "vùng xanh".

TP.HCM: Đề xuất cho công nhân làm 2 tại chỗ, ngủ ở “vùng xanh - ảnh 1

Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM đề xuất cải tiến "3 tại chỗ". Ảnh VNE

Nơi ở của công nhân có thể là nhà riêng, nhà trọ, khu nhà trọ, khách sạn... nhưng trước hết phải nằm trong 'vùng xanh' đã được doanh nghiệp khảo sát lựa chọn nhằm đảm bảo thuận lợi đi lại bằng xe đưa đón tập trung.

Theo Hiệp hội này, chi phí hỗ trợ chắc chắn sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với các phương án khác nhưng công nhân có thể sinh hoạt thoải mái hơn.

Để làm được điều này, doanh nghiệp sẽ phối hợp với khu phố, khu nhà trọ, chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ, phối hợp, củng cố xây dựng "vùng xanh" có công nhân cư trú như một "khu an toàn" ngày càng bền vững.

Hiệp hội này cũng kiến nghị tiêm vét mũi 1 và tiêm vaccine mũi thứ 2 cho công nhân các khu công nghiệp. Đồng thời cần tận dụng các mặt bằng nhà xưởng bỏ trống, nhà văn hóa lao động của các khu công nghiệp cần được tận dụng, cải tạo thành bệnh viện dã chiến, khu thu dung phòng nhằm chủ động giải quyết các trường hợp F0, F1 phát sinh ở các nhà máy.

Tiếp tục gỡ khó cho “3 tại chỗ”

Bộ Công Thương mới đây đã có đề xuất với Bộ Y tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19, bên cạnh mô hình "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 địa điểm" vốn đang gặp khó khi áp dụng với nhiều doanh nghiệp phía Nam.

 Với mô hình này, người lao động có thể được về nhà nhưng phải cam kết thực hiện nghiêm 5K, chỉ được di chuyển theo tuyến cố định...

Cũng theo Bộ Công Thương, Bộ Y tế cần có hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các DN có kế hoạch chủ động sản xuất.

Trường hợp có F0 và F1, cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với doanh nghiệp để tách ca nhiễm ra khỏi môi trường làm việc, giúp sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho công nhân khác.

Ngoài ra, cần có quy định về tổ chức xét nghiệm gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại doanh nghiệp để cắt giảm chi phí, thời gian và tránh tập trung đông người.

Đặc biệt, cần đưa công nhân đang làm việc tại các DN vào danh sách ưu tiên tiêm vắc xin, nhất là doanh nghiệp ngành điện tử, dệt may, da giày, ôtô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...

Cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do DN và cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cho phép hệ thống y tế tư nhân tham gia nhằm tăng cường năng lực hệ thống tiêm chủng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 mới đây, trả lời câu hỏi về việc nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất thay đổi phương án sản xuất “3 tại chỗ” tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam do một số bất cập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định đến nay đây vẫn là "phương án tốt".

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận rằng dù phương án "3 tại chỗ" đã được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng khi triển khai tại các địa bàn khác, đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có TP.HCM, lại có bất cập.

"Ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đặc điểm các khu công nghiệp phía Bắc ít người hơn, trong khi ở phía Nam, có những khu lên tới hàng nghìn, chục nghìn công nhân. Bên cạnh đó, ở miền Nam, người lao động đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố khác nhau chứ không như ở miền Bắc. Nếu để người lao động ở tại một chỗ lâu quá cũng ảnh hưởng đến tâm lý của họ, rất nhiều người không thể ở một chỗ lâu được mà di chuyển về thăm nhà...", Thứ trưởng Bộ Công thương phân tích.

Lý giải thêm về nguyên nhân còn bất cập trong phương án này, ông Hải chỉ ra rằng, thời gian qua, không may là chuỗi cung ứng về logistic, hệ thống vận tải ở TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam bị đứt gãy, có những vùng bị sớm, nên gây rất khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Bên cạnh đó, chi phí để thực hiện phương án “3 tại chỗ” quá cao, vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Anh Văn (T/h)