TP.HCM điều động Phó tổng giám đốc HFIC về làm Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - IPC

10:55 | 06/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Lâm Hoài Anh Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) được điều động về làm Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận IPC thay thế cho ông Phạm Phú Quốc.
Chiều 5/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình, đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lâm Hoài Anh, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), giữ chức vụ thành viên không chuyên trách, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
 
Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Hòa Bình mong muốn ông Lâm Hoài Anh có bước đi chắc chắn ở cương vị mới, cùng tập thể IPC xây dựng không khí của sự tự tin, đoàn kết để tăng tốc, phát triển.

Ông Lâm Hoài Anh sinh năm 1972, quê quán Long An. Trình độ: Thạc sĩ Tài chính ngân hàng; Cao cấp Lý luận chính trị.
 
Ông Lâm Hoài Anh làm Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận - IPC
Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình (phải) trao quyết định cho ông Lâm Hoài Anh. Ảnh: SGGP.
 
Ông Lâm Hoài Anh về làm Tổng giám đốc IPC thay thế cho ông Phạm Phú Quốc - người từng dính vào vụ việc lùm xùm có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp, hồi cuối tháng 8/2020.
Sau ồn ào dư luận, ngày 3/9/2020, ông Phạm Phú Quốc nộp đơn xin nghỉ việc và nhận được sự thống nhất của Hội đồng thành viên IPC.
 
Trước đó, ngày 25/8/2020, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa 14 gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 
Đến ngày 3/11/2020, Quốc hội đã bỏ phiếu và biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với ông Phạm Phú Quốc.
 
Công ty IPC hoạt động trên cơ sở ban đầu là Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận. Đến tháng 9/1993, IPC được thành lập theo quyết định 183 của UBND TP HCM và chuyển sang mô hình "công ty mẹ - công ty con" từ năm 2004.

Năm 2010, IPC chuyển thành Công ty TNHH MTV - doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố sở hữu 100% vốn điều lệ. Sau 5 lần đăng ký thay đổi, vốn điều lệ của IPC vào năm 2015 là hơn 2.900 tỷ đồng.
 
IPC có 9 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Tân Thuận (TTC), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (PMH), Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), Công ty cổ phần Long Hậu (LHC), Công ty cảng container Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hiệp Tân (HTC), Công ty cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) và Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung.
 
Công ty IPC trực thuộc UBND TP HCM, cũng là đơn vị thành lập Khu chế xuất Tân Thuận với quy mô 300 ha, được coi là khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam. Đây cũng là đơn vị liên kết nước ngoài xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7)... và được xem là doanh nghiệp nòng cốt của thành phố với nhiều kết quả tích cực.
 
 
Hà Ly