TP.HCM: Doanh nghiệp, cơ sở xả thải gây ô nhiễm sẽ bị cắt điện nước

17:17 | 24/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là kiến nghị của TP.HCM với Bộ Tài nguyên Môi trường về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế ngưng cung cấp điện, nước đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
Tại TP.HCM hiện có rất nhiều hộ gia đình, công ty sản xuất quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ chấp hành nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả, không chấp hành việc đình chỉ hoạt động gây bức xúc trong người dân và khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan quản lý. Đến nay, Sở Tài nguyên môi trường TP cũng nhìn nhận việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu buộc cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả.
 

Biện pháp hữu hiệu và thiết thực

TP-Ho-Chi-Minh-cat-dien-nuoc-co-so-gay-o-nhiem
 
Điện và nước là yếu tố cơ bản cho hoạt động sản xuất của cơ sở. Vì vậy, việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu và thiết thực buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Tuy nhiên, hiện nay biện pháp này chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.
 
Chính vì vậy, UBND TP. HCM cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó bổ sung biện pháp cưỡng chế bằng hình thức ngưng cung cấp điện, nước để các doanh nghiệp vi phạm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt. Phối hợp với Bộ Công Thương bổ sung các quy định ràng buộc trong việc cung cấp điện, nước cho các cá nhân, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khi các đơn vị này vi phạm hành chính thuộc trường hợp buộc tạm đình chỉ hoạt động. Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh. Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành quy trình rút tên đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để; thường xuyên giám sát các sơ sở đã thực hiện rút tên, tránh để xảy ra trường hợp tái vi phạm. Tập trung kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, chất thải; cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; gắn tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.  Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu đề xuất tăng các loại phí, lệ phí và đề xuất các loại phí, lệ phí mới vào hoạt động doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường.
 

Nhiều nơi đồng tình

TP-Ho-Chi-Minh-cat-dien-nuoc-co-so-gay-o-nhiem
 
Đại diện các địa phương như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12… đều ủng hộ bổ sung biện pháp ngừng cấp điện, nước trong xử lý Vi phạm hành chính( VPHC) vì chiếu theo các quy định hiện nay thì việc xử lý vi phạm không hiệu quả, gây bức xúc kéo dài cho người dân.
 
Bà Hồ Ngọc Hiếu, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Bình Chánh, dẫn chứng toàn huyện có khoảng 411 cơ sở và 3.378 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, trong đó có 289 cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng ô nhiễm khiến người dân bức xúc, địa phương phải tăng cường xử lý, có trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính đến 4 lần nhưng chủ cơ sở vẫn chây ì, cố tình không đóng phạt, thay đổi pháp nhân hoạt động khiến công tác xử lý không hiệu quả. Do đó, việc ngừng cấp điện, cấp nước đối với những cơ sở ô nhiễm sẽ khả thi, chỉ cấp điện và nước khi doanh nghiệp khắc phục việc ô nhiễm như thay đổi công nghệ, thiết bị...
 
Đại diện Phòng TN-MT quận 12 cho rằng biện pháp trên còn giải quyết được vấn nạn các cơ sở ô nhiễm chạy từ nơi này qua nơi khác như hiện nay. Khi áp dụng biện pháp trên thì anh đi đâu cũng phải bảo đảm môi trường nếu không muốn bị xử phạt và đình chỉ hoạt động. Biện pháp này chính là "chiếc roi" đủ mạnh để trị xử lý ô nhiễm môi trường mà đề xuất ngừng cấp điện, nước rất khả thi.
 
Ông Nguyễn Văn Cầu, Phó trưởng Phòng Pháp chế Sở Xây dựng TP, đánh giá đây là biện pháp hiệu quả trong xử lý VPHC lĩnh vực xây dựng. Chính phủ có nghị định đề cập biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng có sai phạm. Thanh tra Sở Xây dựng TP từng nhiều lần đề xuất sử dụng biện pháp trên trong xử lý những công trình xây dựng sai phép trên địa bàn TP. Thực tế chứng minh đó là cách làm mang lại hiệu quả nhất định. Song, ông Cầu lưu ý cơ quan chức năng chỉ thực hiện tại địa điểm vi phạm và chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
 
Nguyễn Dung