TP.HCM: Người bán vé số, chạy xe ôm ‘ngóng’ gói hỗ trợ 1000 tỷ đồng
1.000 tỷ đồng cho dân nghèo
Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM (Sở LĐTBXH TP.HCM) vừa có văn bản khẩn gửi Sở Kế hoạch Đầu tư về đề xuất hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 để báo cáo UBND TP.
Tổng kinh phí hỗ trợ được Sở LĐTBXH TP.HCM ước tính là hơn 1.075 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hơn 905 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP.HCM cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc.
Cụ thể, Sở LĐTBXH TP.HCM đề xuất hỗ trợ cho những lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng.
Đối với lao động tự do mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bị giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập do thực hiện giãn cách xã hội được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Đây là những lao động đã đăng ký tạm trú tại địa phương, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp như: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.
Qua khảo sát ban đầu từ các quận, huyện thống kê có khoảng 230.000 lao động thuộc diện này, trong đó có khoảng 70.000 người buôn gánh bán bưng, bốc vác, bán vé số. Như vậy, nếu mỗi người nhận được hỗ trợ 1,5 triệu đồng thì tổng số tiền ngân sách chi là 345 tỉ đồng.
Lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có mức hỗ trợ một lần là 3 triệu đồng/người.
Với giáo viên, nhân viên, mức hỗ trợ một lần là 2 triệu đồng/người. Với 23.153 người ở 1.777 cơ sở, kinh phí dự kiến là hơn 46,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, 3.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động từ 22/5 trở đi để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND TP.HCM được đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ/tháng.
Đặc biệt, với trẻ em mắc COVID-19 hoặc phải cách ly tập trung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn; người có công với cách mạng hưởng trợ cấp hàng tháng…trợ cấp hàng tháng, mức hỗ trợ được đề xuất là 500.000 đồng/người/tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo đề xuất hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng; người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng.
Nhưng ngóng... từng ngày
Với đề xuất này, nhiều người nằm trong danh mục được hỗ trợ đang rất chờ đợi số tiền sẽ đến tay để trang trải một phần cuộc sống trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.
Ngồi trước cửa phòng trọ, anh Phan Văn Dũng (29 tuổi, công nhân ở quận 12, TP.HCM) cho biết anh đã nghỉ việc ở công ty hơn 2 tháng nay, từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát.
“Đợt dịch này phức tạp, kéo dài quá. Tôi tính từng ngày, mong sao để hết dịch đi làm mà thấy không ổn. Trước đây, tôi thu nhập một tháng gần 8 triệu đồng nhưng giờ thất nghiệp không có một đồng trang trải. Tôi phải nợ tiền trọ, vay tiền ăn uống và phải nhờ người nhà ở quê gửi gạo lên để cầm cự qua đại dịch” - anh Dũng chia sẻ và chờ đợi những gói hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ đến tận tay những người thất nghiệp như anh.
Dịch COVID-19 không chừa một ai, ngay cả những người bán vé số cũng không ngoại lệ.
Ông Bùi Hữu Minh (64 tuổi), người bán vé số trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) rầu rĩ cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP.HCM, ông và những “đồng nghiệp” bán vé chỉ đếm đầu ngón tay, mong đủ tiền mua hộp cơm. Không những thế, những người bán vé số như ông còn bị xua đuổi vì người dân sợ bị lây nhiễm dịch.
“Hồi trước ngày tôi cũng bán trung bình được hơn 200 nghìn đồng nhưng giờ dịch bán chỉ đủ mua hộp cơm sống qua ngày. Giờ ngồi một chỗ bán chứ đi mời người ta chửi bới, xua đuổi nên sợ lắm” - ông Minh cho hay.
Người bán vé số ở TP.HCM mong ngóng gói hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19
Người đàn ông bán vé số cho biết ông có nắm được thông tin TP.HCM hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho những người bán vé số và các ngành nghề khác bị ảnh hưởng do dịch nên rất phấn khởi, mong ngóng từng ngày.
“Chúng tôi bình thường đã khó khăn dịch COVID-19 lại càng khó khăn nữa, nhiều người phải ở ngoài đường, xó chợ. Biết thành phố sẽ hỗ trợ người bán vé số chúng tôi ai cũng phấn khởi, ngày nào mọi người cũng nhắc và chờ ngày được tận tay nhận hỗ trợ”, ông Minh phấn khởi.
Còn ông Trần Văn Hưng (58 tuổi, hành nghề chạy xe ôm tại quận Bình Thạnh) gần như sáng xách xe đi, tối xách xe về mà không có một cuốc khách cho biết: “Tôi bây giờ chỉ biết cầu trời cho thành phố sớm hết dịch, gói hộ trợ sớm tận tay đến người dân thất nghiệp chứ không họ sẽ chết đói mất. Tôi cảnh gà trống nuôi 2 đứa con nhỏ, giờ không có thu nhập thì lấy gì mà ăn".
Thanh Thảo