TP Hồ Chí Minh bắt mạch sản xuất công nghiệp - Bài 2: Phát huy công nghiệp trọng điểm
Đặc biệt, ngành công thương Tp. Hồ Chí Minh đã xác định 4 ngành công nghiệp trọng yếu, hay những ngành công nghiệp tiềm năng và còn dư địa phát triển là cơ sở thuận lợi trong rà soát, đánh giá lại toàn ngành công nghiệp mớ có thể đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn.
Sản xuất công nghiệp trọng yếu
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cơ cấu giá trị gia tăng của 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn thành phố tăng trong những năm qua. Bên cạnh đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng toàn ngành sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh...
Cụ thể, 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 64% toàn ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh Minh; trong đó, ngành chế biến lương thực - thực phẩm là ngành trọng điểm của thành phố, chiếm 14%-15% giá trị sản xuất và đóng góp 14%-15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Về số lượng doanh nghiệp, ngành chế biến lương thực - thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 2.877 đơn vị sản xuất kinh doanh; trong đó, có 2.314 đơn vị chế biến thực phẩm và 536 sản xuất chế biến đồ uống. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chủ yếu ở quy mô nhỏ, chưa phát triển chuỗi, hạn chế về công nghệ số... nên đối mặt nhiều thách thức về phát triển thị trường, tiếp cận người tiêu dùng, cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài...
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, với xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thực vật, thực phẩm tốt cho sức khỏe, sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế... thì ngành chế biến lương thực - thực phẩm đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng đa dạng sản phẩm, cũng như công nghệ sản xuất. Ngoài ra, vùng nguyên liệu là điểm khởi đầu và nền tảng phát triển chuỗi cung ứng bền vững, đây cũng là khâu quan trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng sự minh bạch thông tin dữ liệu dựa trên cơ sở truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Tương tự, ngành ngành cao su - nhựa là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố, chiếm 11,5% giá trị sản xuất và đóng góp 11,4% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp đã sản xuất được sản phẩm tiêu dùng và ứng dụng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nội địa. Cộng đồng doanh nghiệp cao su - nhựa chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và Tp. Hồ Chí Minh do gần nguồn nguyên liệu. Tính chung toàn ngành cao su - nhựa có hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó tại Tp. Hồ Chí Minh chiếm hơn 84% thuộc mọi thành phần kinh tế.
Tuy vậy, xu hướng hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu mới đối với ngành cao su - nhựa về tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh, cũng như đòi hỏi chuyển đổi phương thức cạnh tranh theo xu hướng mới. Do đó, nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến bên cạnh nâng cao chất lượng sản phẩm cao su - nhựa truyền thống.
Ghi nhận ở ngành cơ khí - tự động hóa, là ngành công nghiệp trọng yếu được thành phố khuyến khích phát triển, nhưng trước những tác động mạnh mẽ của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp đối mặt với không ít thách thức trong cải tiến sản xuất, công nghệ. Do đó, muốn bắt kịp xu hướng mới thì ngành này phải nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng... đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, Hội tự động hóa Tp. Hồ Chí Minh phân tích, tự động hóa thông minh (IA) là sự kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và robot quy trình tực động (RPA) để tạo ra chuỗi tiếp cận tự động hóa phức tạp và toàn diện hơn; thiết lập siêu tự động hóa nhiều quy trình sản xuất kinh doanh tiết kiệm chi phí đáng kể. Riêng tự động hóa đám mây cung cấp giải pháp mở rộng và có thể truy cập từ bất cứ đâu, thúc đẩy nhà máy thông minh hơn, quản lý sản xuất và xử lý tình huống phát sinh kịp thời hơn.
Những xu hướng phát triển mới này đã thay đổi ngành cơ khí - tự động hóa, tạo ra sản phẩm có chất lượng nâng cao, giá thành giảm, tiêu thụ năng lượng giảm; công nghệ xanh, sạch hơn. Hiện tại, Việt Nam có sự hòa nhập cùng xu hướng tự động hóa toàn cầu nhưng tốc độ rất chậm, chưa có công ty dẫn đầu nhận dự án quy mô lớn và có khả năng kéo theo doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ.
Dư địa phát triển ngành tiềm năng
Tp. Hồ Chí Minh luôn là một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển mọi mặt, trong đó có công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển luôn có những tồn tại đòi hỏi có sự bứt phá như mức độ cải thiện chất lượng tăng trưởng chưa vượt trội, chuyển dịch cơ cấu nội ngành kinh tế còn chậm, một số khu vực kinh tế cũng gặp khó khăn trong quá trình cơ cấu...
Ngoài các ngành công nghiệp trọng yếu, Tp. Hồ Chí Minh có 2 ngành công nghiệp truyền thống chiếm tỷ trọng 15% toàn ngành công nghiệp thành phố. Cùng với đó, ngành công nghiệp thành phố có thế mạnh, gồm: sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất trang phục; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu...
Trong những ngành kể trên, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu mặc dù là thế mạnh của thành phố nhưng giá trị khá thấp. Tp. Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương đứng đầu về nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhưng nhìn chung có quy mô doanh nghiệp chủ yếu nhỏ vừa chiếm tỷ lệ lớn.
Mặt khác, Tp. Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp đang hoạt động, chiếm 14,41% khu công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Còn một số khu công nghiệp khác trên địa bàn thành phố vẫn đang trong quá trình quy hoạch và hình thành; đồng thời, thành phố cũng không còn nhiều đất công nghiệp sạch.
Sự hạn chế về diện tích đất công nghiệp có ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, nhất là những dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Điều này đặt ra yêu cầu phát triển khu công nghiệp mới, cũng như đổi mới phương thức thu hút đầu tư vào khu công nghiệp theo hướng hút những dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Với mức độ gia nhập ngày càng sâu của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển ngành công nghiệp thành phố cần được xem xét một cách khoa học và toàn diện trong bối cảnh mới phù hợp xu hướng phát triển thị trường toàn cầu. Tp. Hồ Chí Minh vẫn có những lợi thế nhất định của mình, mà những địa phương khác khó có thể thay thế, nhưng cần tái cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao và khai thác tiềm năng trong tổng thể liên kết vùng.
Cùng với những ngành công nghiệp trọng yếu, ngành công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh đã từng bước định hướng sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển như ngành công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông; công nghiệp thời trang; công nghệ sinh học; năng lượng sạch... Nhóm giải phát triển công nghiệp đang triển khai là hình thành, nâng cấp những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật chuyên ngành; xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ 3 ngành (cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, lương thực - thực phẩm), đề án thành lập khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao....
Điển hình, ngành cơ khí là công nghiệp nền tảng, có thể tham gia không giới hạn hầu hết lĩnh vực. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần tự nhận dạng xu hướng công nghệ mới, đối sánh với sản phẩm và công nghệ hiện có trong định hướng phát triển ở giai đoạn tới.
Liên quan đến ngành cơ khí - điện, ông Võ Khanh Duy, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện Tp. Hồ Chí Minh (HAMEE) chỉ ra rằng, hoạt động tối ưu hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng, ưu đãi đầu tư... đòi hỏi các khu, cụm công nghiệp đặc thù. Cùng với đó, các khu, cụm công nghiệp đặc thù phải nâng cấp quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường với những tiêu chí cụ thể, chú trọng yếu tố tương đồng về chuỗi cung ứng, quy hoạch đầy đủ dịch vụ liên quan.
Tp. Hồ Chí Minh luôn là một trong những đầu tàu của cả nước về phát triển mọi mặt; trong đó, có công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhất là dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo ra nhiều điểm sáng phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các khu, cụm công nghiệp đặc thù này không nhất thiết phải nằm trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh mà có thể liên kết theo cơ chế mới trong khai thác những địa điểm thuận lợi tại một số tỉnh, thành lân cận; hay nói cách khác, bước đầu có thể xem xét xây dựng một số liên minh liên kết liên vùng về nguồn lực, công nghệ, an sinh xã hội, môi trường sống... cho người lao động.
Bài cuối: Tái tạo giá trị gia tăng mới