TP.Thanh Hóa: Năm 2045 sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại khu vực Bắc Trung Bộ
Dự thảo Đề án “Xây dựng và phát triển TP. Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu chung là xây dựng, phát triển TP. Thanh Hóa toàn diện, nhanh và bền vững; trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Thanh; xã hội phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc; phấn đấu đến năm 2030 là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2045 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa phát biểu tham luận tại hội nghị
Đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó giai đoạn 2021-2025 có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng; tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đạt 180.000 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt 10.660 triệu USD; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2025 đạt 95%, trong đó trường chuẩn quốc gia mức độ II đạt 42%; tỷ lệ tham gia BHYT/tổng số dân năm 2025 đạt 95%...
Giai đoạn 2026-2030 (trên cơ sở sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa), tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18%; thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 230 triệu đồng; tổng huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2026-2030 đạt 254.000 tỷ đồng; tỷ lệ phường, xã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nâng cao năm 2030 đạt 100%; tỷ lệ phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2030 đạt 53%...
Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đưa ra 4 nhóm nhiệm, giải pháp chủ yếu về kinh tế; văn hoá - xã hội, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển và về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Trong mỗi lĩnh vực đề án cũng đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Đơn cử như ở lĩnh vực kinh tế nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; tập trung phát triển 6 trung tâm gồm 12 khu vực để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế…
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu làm rõ các vấn đề về xây dựng thiết chế văn hóa con người TP. Thanh Hóa; đồng thời làm rõ một số chỉ tiêu đặt ra trong dự thảo đề án, đặc biệt là những chỉ tiêu thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, tỷ lệ lao động qua đào tạo; xem xét lại một số đề xuất, kiến nghị khi triển khai thực hiện đề án…
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến các đại biểu tại hội nghị; Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao đề án đã được chuẩn bị khá công phu. Đồng chí yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành liên quan tiếp tục góp ý vào đề án bằng văn bản gửi về Ban Chỉ đạo cập nhật, hoàn chỉnh lại đề án trong thời gian tới.
Về nội dung của đề án, đồng chí cơ bản thống nhất về phần đánh giá kết quả đạt được của TP. Thanh Hóa trong thời gian qua; tuy nhiên trong phần hạn chế yếu kém, đồng chí lưu ý cần phải thẳng thắn chỉ rõ những việc như: công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao còn phát huy chưa tốt, việc xã hội hóa trong công tác nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng phúc lợi xã hội còn chưa được đẩy mạnh; việc phát triển du lịch trong lòng TP. Thanh Hóa mới chỉ ở dạng tiềm năng… Về quan điểm mục tiêu của đề án, vẫn chưa xác định được dư địa khi sát nhập huyện Đông Sơn vào năm 2023. Bên cạnh đó, chưa bám sát theo các mục tiêu phát triển theo tinh thần Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI.
Trong phần mục tiêu cụ thể, cần bổ sung thêm 3 chỉ tiêu, gồm: Về ngân sách, đến năm 2030, phải có tỷ lệ phần trăm cụ thể đóng góp vào ngân sách; chỉ tiêu về công tác huy động vốn; chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, trong phần giải pháp thực hiện, đồng chí lưu ý đơn vị soạn thảo bổ sung thêm một số vấn đề sau: Về giải pháp công nghệ của đề án cần xác định rõ về giải pháp công nghệ cao ở lĩnh vực trọng tâm; phải xác định xây dựng rõ khu trung tâm thương mại trọng tâm của TP. Thanh Hóa.Về du lịch, cũng phải xác định mũi nhọn đột phá bằng việc hình thành các tua tuyến kết nối từ các điểm du lịch trong điểm của tỉnh với các điểm du lịch của TP. Thanh Hóa. Về xây dựng Nông thôn mới, cần tập trung xây dựng hình thành các vành đai nông thôn mới nâng cao, trong đó chú trọng đến xây dựng thương hiệu các làng nghề trên địa bàn. Về giao thông, cần đẩy mạnh cải tạo hạ tầng giao thông các khu dân cư cũ và phải có tính kết nối với các khu dân cư mới. Về hạ tầng đường điện, cần có kế hoạch cải tạo lưới điện, bắt buộc ngầm hóa đường điện tại các khu dân cư mới; cần xây dựng các tiêu chí về điện sáng, điện trang trí tại các khu phố về đêm. Về văn hóa xã hội, cần bổ sung thêm các điểm vui chơi trong khu đô thị. Về giải pháp con người, phải xây dựng được tiêu chí con người TP. Thanh Hóa…
Về phần kiến nghị của đề án, cần chú trọng đến việc mở rộng cơ chế đặc thù, vận dụng điều hành kinh tế xã hội, như chủ động trong công tác đối ứng huy động xã hội hóa nâng cấp hạ tầng xã hội TP. Thanh Hóa.
PV