TPBank đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Bằng khen của UNND TP. Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi hoa chúc mừng thành công của TPBank trong 10 năm qua.
Đặc biệt buổi Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo Hà Nội; Ban Tuyên giáo Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI; Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, đại diện nhiều công ty và tập đoàn trên cả nước.
Đại diện lãnh đạo Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN), PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, Chủ tịch Hội; bà Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Hội; TS. Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, Phó Chủ tịch Hội đã tới dự và chúc mừng TPBank - ngân hàng do ông Đỗ Minh Phú làm Chủ tịch HĐQT. Ông Đỗ Minh Phú hiện là Phó Chủ tịch Hội DNTNVN nhiệm kỳ 2018-2023.
Chia sẻ đầy tâm huyết, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank ôn lại chặng đường 10 năm TPBank: Ra đời cách đây 10 năm, TPBank đã bước đầu xây dựng một nền tảng ngân hàng thương mại đa năng với mục tiêu trở thành định chế tài chính minh bạch, hiệu quả và bền vững.
TPBank đã nỗ lực không mệt mỏi để vượt qua những khó khăn như chất lượng tín dụng suy giảm, nợ xấu kéo dài, lợi nhuận bị bào mòn, lỗ lũy kế lớn, đứng trước khủng hoảng với những khó khăn chồng chất, phải tái cơ cấu theo đề án của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Lựa chọn tái cơ cấu tự thân và “mối lương duyên” với các các cổ đông mới là Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, Tập đoàn FPT, Công ty Tài chính quốc tế ( IFC), TPBank đã liên kết được sức mạnh để cùng tái thiết.
Ngân hàng từng bước ra khỏi khó khăn, nhanh chóng cấu trúc lại ngân hàng, có khả năng đáp ứng được quá trình phát triển của mình. Thoát ra khỏi khủng hoảng, tự tin trên đôi chân của mình, chỉ sau 3 năm, TPBank đã tái cơ cấu thành công và là hình mẫu tái cơ cấu các tổ chức tín dụng mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đề ra, tạo dấu ấn đậm nét.
“Trở thành ngân hàng đầu tiên có hệ sinh thái ngân hàng số đa dạng và vượt trội tại Việt Nam, TPBank là ngân hàng đầu tiên triển khai mô hình ngân hàng tự động 24/7 TPBank LiveBank cung cấp đầy đủ giao dịch như một ngân hàng truyền thống. Chính nhờ chiến lược đón đầu của ngân hàng số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các sản phẩm của TPBank có sức mạnh cạnh tranh mạnh mẽ và tự tin với vị thế dẫn đầu xu hướng này, để hướng tới phục vụ đa tiện ích cho khách hàng trẻ, năng động, yêu thích công nghệ mới - xu hướng tất yếu hiện nay”, ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh.
Nếu so sánh thời điểm 2012 bắt đầu tái cơ cấu với thời điểm tháng 10/2018, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt 137 nghìn tỷ, gấp gần 10 lần. Hơn 22 triệu khách hàng, tăng gấp 40 lần. Lợi nhuận trước thuế lũy kế trong giai đoạn này là 5.300 tỷ, số lượng cán bộ nhân viên đạt trên 5.000 người, gấp 7 lần. Liên tục, trong suốt 5 năm vừa qua, mức nợ xấu của ngân hàng chỉ dưới 1%, đây là mức nợ xấu thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng thương mại trong cả chu kỳ vừa qua.
Biểu dương và đánh giá cao những thành tích xuất sắc của TPBank trên chặng đường 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nhắc lại những khó khăn mà TPBank nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung phải đối mặt trong thời điểm 2008-2010.
“Từ một ngân hàng nhỏ bé và yếu kém, sau 10 năm phát triển, trong đó có 6 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, TPBank đã thực sự lột xác, vươn lên trở thành 1 trong 10 ngân hàng cổ phần hàng đầu cả nước. Kết quả đạt được của TPBank đến ngày hôm nay là một bằng chứng thiết thực khẳng định chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo đề án của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn và được triển khai quyết liệt, có hiệu quả trong ngành ngân hàng. Đồng thời khẳng định phát triển kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng”, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Đó là xây dựng và triển khai chiến lược cạnh tranh an toàn, hiệu quả và bền vững, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế định hướng XHCN.
Tập trung ưu tiên hiện đại hóa công nghệ và hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường sáng tạo năng lực tài chính và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu.
Cùng với đó là tập trung nghiên cứu, phát triển nhanh các sản phẩm dịch vụ ngân hàng có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đa dạng của nền kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác, mở rộng kết nối, tạo điều kiện cho tổ chức và người dân tiếp cận thuận lợi, an toàn với các dịch vụ tiện ích ngân hàng. Quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực. Có cơ chế cuốn hút và sử dụng có hiệu quả cán bộ, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập của người lao động.
Cuối cùng là chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật và sự lãnh đạo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; kiên quyết không để phát sinh chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh. Tích cực làm tốt công tác an sinh xã hội, trách nhiệm với cộng đồng.