Trẻ em Trung Quốc hào hứng khi học tập với giáo viên robot
Các trẻ em ở một trường mẫu giáo Trung Quốc cười khúc khích khi cùng nhau nỗ lực giải câu đố từ một trợ lý giảng dạy mới: Một nhà giáo dục nhỏ con, tròn mũm mĩm, và khuôn mặt là một màn hình. Đó là robot Keeko.
Chỉ cao chưa đến 60cm, robot có tên Keeko đã trở thành điểm sáng trong hàng trăm trường mẫu giáo ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Với vai trò trợ giảng, chúng có khả năng chơi trò chơi với trẻ, hát, nhảy múa, kể chuyện, giao tiếp và cả làm toán.
Robot giáo dục Keeko
Với “thân hình mũm mĩm” và màu trắng, robot không tay quay xung quanh trên những bánh xe nhỏ xíu, có sẵn máy ảnh và camera mặt trước cho phép người dùng ghi lại các hoạt động trong lớp. Theo AFP, robot này giống như một đồ chơi thông minh đáng yêu có thể giúp trẻ em hiểu các bài học tốt hơn.
Mỗi khi các em nhận được câu trả lời đúng, thiết bị phản ứng với ánh sáng thể hiện niềm vui, khuôn mặt nhấp nháy đôi mắt hình trái tim. “Giáo dục ngày nay không còn là con đường một chiều, nơi mà giáo viên dạy và học sinh chỉ học”, Candy Xiong, một giáo viên mầm non, hiện đang làm việc với Cty Xiamen ZhiTong Technology cho biết. Khi trẻ em nhìn thấy Keeko với đầu tròn và cơ thể cũng tròn, nó trông rất đáng yêu và trẻ em thích nó. Vì vậy, khi nhìn thấy Keeko, các em gần như ngay lập tức lao đến. Ở Trung Quốc, robot đang được phát triển để phân phối làm các công việc như đồng hành cùng người cao tuổi, cố vấn pháp lý và bây giờ là tiến thêm một bước nữa khi làm bạn và học cùng trẻ em.
Tham vọng đến Đông Nam Á
KeeKo được sản xuất với mục đích tương tác với trẻ dưới 7 tuổi. Chúng có trí thông minh của một trẻ 5 tuổi do Cty Xiamen ZhiTong Technology sản xuất. Keeko đã gia nhập tại hơn 600 trường mẫu giáo trên khắp Trung Quốc, và các nhà sản xuất hy vọng sẽ mở rộng sang các quốc gia Đông Nam Á.
Bắc Kinh đã đầu tư tiền và nhân lực vào việc phát triển trí tuệ thông minh nhân tạo như một phần của kế hoạch “Made in China 2025”. Năm 2017, một công ty Trung Quốc cho ra mắt robot giống con người đầu tiên của nước này, vốn có thể trò chuyện đơn giản và có nét mặt. Theo Liên đoàn Robot Quốc tế (IFR), các công ty tại Trung Quốc đang lắp đặt nhiều robot mới hơn bất kỳ quốc gia nào khác, và điều đó có thể ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Tổng số robot được lắp đặt tại Trung Quốc tăng 27% lên khoảng 90.000 đơn vị trong năm 2016, lập kỷ lục thế giới và chiếm gần 1/3 tổng số lượng robot toàn cầu. Theo IFR, con số này sẽ tăng gấp đôi lên 160.000 vào năm 2019. Thị trường robot dịch vụ - bao gồm các thiết bị khác nhau, từ thiết bị y tế chuyên dụng đến máy hút bụi tự động - được ước tính đạt trị giá 1,32 tỷ USD vào năm ngoái. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 4,9 tỷ USD vào năm 2022. Tuần trước, Bắc Kinh đã tổ chức Hội nghị Robot Thế giới, trưng bày các robot có thể chẩn đoán bệnh tật, chơi cầu lông và biểu diễn kỹ năng âm nhạc.
Tuy nhiên, sự phát triển tốc độ của ngành công nghiệp robot ở Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia lo ngại, khi họ cho rằng, nó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.