Trên 60% đề xuất của doanh nghiệp được Chính phủ tiếp thu, xử lý
08:27 | 26/06/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo TS. Vũ Tiến Lộc, hiện có trên 60% đề xuất của doanh nghiệp được Chính phủ tiếp thu, xử lý.
Đây là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi họp báo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 – Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 25/6.
Chia sẻ tại họp báo, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, tất cả những vấn đề Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu các cơ quan Chính phủ đều tiếp thu và phản hồi. Trong đó, đã có trên 60% các vấn đề doanh nghiệp đề xuất được Chính phủ xử lý sửa đổi, còn lại đang được trao đổi.
“Có nhiều vấn đề liên quan tới sửa đổi Luật tại Quốc hội, do đó chưa thể thực hiện sửa đổi ngay như vấn đề giờ làm thêm, lương tối thiểu, nhập khẩu máy móc qua sử dụng…đang được Quốc hội thảo luận”, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết và khẳng định đây là kênh thông tin phản hồi quan trọng.
Còn theo bà Virginia B.Foote - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, cứ 6 tháng doanh nghiệp lại có ý kiến đóng góp. Quy mô hoạt động của VBF khi giải quyết vấn đề sẽ có vấn đề khác nổi lên trong bối cảnh mới. Do đó mọi cải cách phải luôn tiếp tục.
“Phát triển bền vững sẽ không phải là gánh nặng mà là cơ hội tăng trưởng cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng như người dân. Qua đó, tẩt cả các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay phát triển nền kinh tế bền vững của Việt Nam”, bà Virginia B.Foote chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng, Việt Nam là một trong năm nước có lượng rác thải nhựa lớn ra đại dương hằng năm. Vì vậy, để phát triển bền vững, như sáng kiến về nền kinh tế tuần hoàn cần có sự tham gia, đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân biến rác thải nhựa thành nguồn nguyên liệu đầu vào thứ cấp, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Nhìn nhận về tình hình tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, trong 2 năm gần đây, Việt Nam trở thành nền kinh tế thu hút đầu tư hàng đầu trong APEC. Riêng 4 tháng đầu năm 2019, đã có 14,59 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018.
“Đây là con số kỷ lục. Từ đó có thể thấy, Việt Nam vẫn là thị trường thu hút đầu tư lớn bởi lợi thế giá nhân công, vị trí địa chính trị, quy mô thị trường và tính kết nối của thị trường. Tuy nhiên, nhìn sâu vào môi trường kinh doanh có thể thấy sức hút này còn có thể lớn hơn nhiều nếu chính sách gia nhập thị trường thuận lợi hơn nữa”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, qua các khảo sát cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, tình trạng tham nhũng vặt đã giảm đáng kể, các thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm tối thiểu 50%. Cộng đồng doanh nghiệp trong nước đều tin tưởng vào triển vọng kinh doanh trong thời gian tới...
Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nhìn nhận, hiện điểm nghẽn của nền kinh tế chính là các bộ ngành. Cùng với đó, các địa phương đã có những cải cách nhưng còn lạnh, cấp làm thể chế ở các bộ ngành cũng như cấp thực thi của các địa phương phải thay đổi.
Do vậy, bên cạnh những mặt thuận lợi mà doanh nghiệp đang nhận được, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị với Chính phủ cần giảm gánh nặng hậu đăng ký kinh doanh với doanh nghiệp. Nên tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, đặc biệt là pháp luật, vấn đề quy hoạch đất đai, tài nguyên, môi trường. Cộng đồng các doanh nghiệp cho rằng, hiện các thủ tục trong lĩnh vực này rất chồng chéo, khó khăn.
Bên cạnh đó, thủ tục xuất nhập khẩu, thuế cần thay đổi… Đồng thời, gánh nặng về kiểm tra chuyên ngành cao, thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn phức tạp. và những gánh nặng hành chính này đang đè nặng lên vai các doanh nghiệp siêu nhỏ và vừa.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng quan tâm đến sự ổn định của môi trường kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp cần có thời gian chuyển tiếp để thích ứng với sự thay đổi...”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ngoài ra cũng theo cộng đồng doanh nghiệp, cải cách các thiết chế pháp lý khá chậm, chưa thực sự đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp. Theo đó cần tăng cường thiết chế pháp lý để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.