Triển vọng nào cho bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng 2023?

Thùy Dương 15:00 | 19/04/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
8/10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hàng đầu hệ thống năm 2022 đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023. Theo đó, hầu hết các NHTM đặt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với hạn mức tín dụng được cấp đầu năm bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cùng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế thấp hơn cùng kỳ.

Các ngân hàng lợi nhuận hàng đầu hệ thống năm 2022 đặt kế hoạch kinh doanh ra sao cho 2023?

Theo báo cáo tài chính đã công bố, top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất toàn hệ thống năm 2022 gồm Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, VPBank, VietinBank, ACB, VIB, HDBank và SHB. 

Tính đến nay, 8 trong số 10 ngân hàng trên đã công bố kế hoạch lợi nhuận cho 2023. Riêng 2 "ông lớn" Vietcombank và BIDV chưa công bố kế hoạch cụ thể.

 
 

Trong ĐHĐCĐ năm nay, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HOSE: TCB, Techcombank) sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 14% so với năm trước, xuống còn 22.000 tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng đến cuối năm nay của Techcombank ước đạt 511.297 tỷ đồng; tăng trưởng 15% hoặc cao hơn theo chỉ tiêu được NHNN cấp với tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp hơn 1,5%; Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động.

Nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, TCB là ngân hàng duy nhất đặt kế hoạch tăng trưởng LNTT suy giảm cho năm 2023 do tỷ trọng tín dụng cao liên quan tới nhóm ngành BĐS/TPDN, CASA sụt giảm mạnh do khách hàng chuyển sang gửi tiền gửi kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao và hạ tín nhiệm từ Moody. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ngân hàng có thể dễ dàng vượt mục tiêu này khi những chính sách hỗ trợ gần đây cho thị trường TPDN và ngành BĐS có thể giảm bớt căng thẳng thanh khoản.

Tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (HOSE: MBB) , ban lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng, cao hơn mức dự phóng của Công ty Chứng khoán VNDirect 4%. Các chuyên gia đánh giá đây là kế hoạch lạc quan trong bối cảnh dòng tiền tại một số khách hàng lớn của MBB gặp khó khăn. Với con số này, MB hiện dẫn đầu nhóm ngân hàng tư nhân lớn về lợi nhuận mục tiêu năm 2023, vượt xa VPBank (24.003 tỷ) và Techcombank (22.000 tỷ). 

Trong năm 2023, MB cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng. Tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng Ngân hàng mẹ dưới 1,5%. Ngân hàng cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, vượt mục tiêu 14% của NHNN cấp.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HOSE: CTG, Vietinbank) lên kế hoạch tổng tài sản sẽ tăng trưởng từ 5-10%; nợ xấu khống chế dưới 1,8%; huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các chỉ số thanh khoản. LNTT 2023 ước đạt 23.753 tỷ đồng, khớp 99% so với dự báo của VNDirect (23.400 tỷ đồng).

Theo nhóm phân tích VNDirect, kết quả kinh doanh năm nay của ngân hàng là hoàn toàn có thể đạt được với chất lượng tài sản vững chắc và tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) ở mức cao. 

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13% lên 24.003 tỷ đồng. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận này tương đương 53%. Tổng tài sản dự kiến tăng 39% lên 877 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 41% lên 518 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 33% lên 636 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng 33%. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%. 

Theo quan điểm của các chuyên gia VNDirect trong báo cáo ngày 12/4, cả 2 mục tiêu tín dụng và lợi nhuận trước thuế của VPB khá tham vọng trong bối cảnh môi trường vĩ mô còn yếu và tỷ trọng tín dụng cao liên quan đến nhóm bất động sản/trái phiếu doanh nghiệp (BĐS/TPDN). Các chuyên gia kỳ vọng những chính sách hỗ trợ gần đây và việc phát hành riêng lẻ 15% cho SMBC (ngân hàng Sumitomo Mitsui) kỳ vọng hoàn thành trong quý II hoặc quý III năm nay sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của VPB. Kế hoạch cổ tức tiền mặt 1.000đ/cp cũng cho mức lợi suất hấp dẫn 4,8%. 

Năm 2023, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022.

ACB đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản đạt 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng dự kiến 10%, trong mức cấp của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Theo VNDirect, tốc độ tăng trưởng LNTT của ACB chậm hơn so với cùng kỳ (svck) do mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn 10%, NIM giảm 20 điểm cơ bản và không còn khoản hoàn nhập dự phòng như năm ngoái. 

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 15/3 vừa qua: “Mặc dù lãi suất, lạm phát, GDP sẽ có những bất lợi, nhưng lợi nhuận đến từ một tổ chức là một tổ hợp của nhiều yếu tố chi phí, trích lập dự phòng. Con số kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm nay đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. VIB nghĩ rằng kế hoạch lợi nhuận năm nay là con số hợp lý với mô hình vận hành của VIB”.

VIB cũng đã đặt ra lộ trình chuyển đổi 10 năm 2017 - 2026. Trong 6 năm đầu của lộ trình, Ngân hàng đã đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lợi nhuận trước thuế là 57%. Cho giai đoạn 5 năm 2022 - 2026, VIB đặt mục tiêu đạt 10 triệu khách hàng, tỷ lệ CAGR đạt 20 - 30%/năm.

Về phía Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HOSE: HDB, HDBank), tài liệu ĐHĐCĐ đã công bố cho thấy ngân hàng dự kiến tăng tổng tài sản thêm 25% lên 520.024 tỷ đồng trong năm 2023; huy động vốn tăng 25% lên 459.398 tỷ đồng; dư nợ tăng 24% lên 333.553 (phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao). Với chất lượng tài sản tốt có khả năng sinh lời cao hiện tại, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao, dự kiến vượt 13.197 tỷ đồng tức tăng 29% so với năm 2022; Tỷ lệ ROE dự kiến đạt 24,5% và ROA đạt 2,3%; Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tiếp tục được ngân hàng kiểm soát thấp dưới 1,5%, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2%.

Bên cạnh đó, HDBank cũng trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25%, từ đó tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng. Mức cổ tức cao năm nay có được nhờ nỗ lực của HDBank trong việc duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng cao năm 2022. 

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HOSE: SHB) được phân ra 2 phương án tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, phương án 1 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 6,15% lên 10.285 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 8,93% đạt 600.106 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 12,05% đạt 456.180 tỷ đồng.

Phương án 2 với hạn mức tăng trưởng tín dụng 14%, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,67%, lên 10.626 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 10,09% đạt 606.500 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 14,78% lên 467.291 tỷ đồng.

Như vậy, cả hai phương án kinh doanh của SHB đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ. Ngoài ra, cả hai phương án cũng đều dự kiến vốn điều lệ tăng thêm 19,47% lên 36.645 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức dự kiến cho năm 2023 là 15%.

 

Năm nay, ngân hàng nào đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% 'đã là rất kinh khủng'

Đánh giá cả năm 2023, nhóm phân tích VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ giảm, chỉ đạt 10 - 11%, so với mức 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Chia sẻ góc nhìn thận trọng này, tại báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ giảm tốc trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 10%.

Trong đó có sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng. Một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ có thể ghi nhận suy giảm mạnh về tăng trưởng lợi nhuận trong 2023. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành được dự báo là ACB, BIDV, LienVietPostBank, MB, MSB, Sacombank, Techcombank, Vietcombank, VIB, VPBank.

SSI Research trong báo cáo hồi đầu năm thì cho rằng lợi nhuận nhóm nhà băng có thể tăng khoảng 13,7% trong năm nay theo kịch bản cơ sở. Trong kịch bản tiêu cực, mức tăng có thể chỉ khoảng 10% trong năm nay, bằng 1/3 giai đoạn 2017 - 2021. SSI cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận tại các nhà băng quốc doanh (dự báo 18,4%) có thể cao hơn mức tăng trưởng của các ngân hàng thương mại tư nhân (10,8%) do triển vọng NIM tốt hơn cũng như tỷ trọng dư nợ cho vay đối với thị trường trái phiếu và bất động sản ở mức thấp.

Còn tại chương trình “Mùa đại hội tìm cơ hội” do công ty chứng khoán MBS tổ chức ngày 31/3, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS đánh giá, các ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thận trọng hơn, trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn đáng kể so với năm trước.

“Năm nay chúng ta sẽ không thấy ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30-40%. Chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 20% đã là rất kinh khủng”, ông Tuấn đánh giá.

 Theo một thống kê mới của FiinTrade, đã có 92/1648 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đại diện gần 23,6% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM  vừa có ước tính hoặc công bố chính thức về lợi nhuận cho quý I/2023. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của 10/27 ngân hàng đại diện 70,6% vốn hóa ngành Ngân hàng ước tăng 13,9% so với cùng kỳ.