Bức tranh KQKD phân hóa của các doanh nghiệp ngành nhựa trong quý II

Thùy Dương 16:08 | 11/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, Nhựa Đông Á là doanh nghiệp cuối cùng trong nhóm ngành nhựa công bố báo cáo tài chính quý II/2023. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung tiếp tục phản ánh nửa đầu năm 2023 đầu thách thức trong bối cảnh thị trường khó, nhưng vẫn có những điểm sáng nhất định.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của 1 số doanh nghiệp nhựa. Ảnh: Thùy Dương tổng hợp BCTC DN

Theo đó, CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á  (HOSE: DAGlà đơn vị báo lỗ ròng cao nhất trong các doanh nghiệp được thống kê, đồng thời đây cũng là công ty cung cấp báo cáo tài chính quý II muộn nhất với 2 lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM nhắc nhở về sự chậm trễ này.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố ngày 10/8, trong quý II/2023 doanh thu thuần của DAG đạt 400 tỷ đồng, giảm 31,83% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế âm 102,7 tỷ đồng.

Giải trình thua lỗ lớn tại báo cáo hợp nhất, ngoài vấn đề nguồn nguyên vật liệu cao, chi phí liên quan đến nhập khẩu tăng, chi phí vận chuyển tăng, DAG còn cho biết, quá trình lưu trữ hàng hóa và sản xuất tạo ra nhiều phế liệu dẫn đến hàng bị hư hỏng nhiều nên giá trị xuất bán phế liệu thấp nhưng chi phí nguyên vật liệu cao. Trong kỳ doanh thu sụt giảm mạnh (giảm 32%) trong khi các chi phí cố định để vận hành không giảm.

Ngoài ra, do khó khăn chung của nền kinh tế, công nợ khó có khả năng thu hồi được, thậm chí nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ nên quý II/2023 Công ty trích lập dự phòng các khoản phải thu dẫn đến tăng đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp do trích lập dự phòng khoảng 88 tỷ đồng (tương đương tăng 1.355,31%).

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần hợp nhất của DAG đạt 959 tỷ đồng, giảm 21% và và lợi nhuận ròng âm 124 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 8 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch cả năm 2023, công ty mới chỉ hoàn thành 42,6% chỉ tiêu doanh thu, con đường đạt mục tiêu lợi nhuận vẫn còn rất xa.

 

Ở một diễn biến khác, ngày 11/8 công ty đã gửi báo cáo giải trình về việc chậm công bố thông tin dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu DAG của Nhựa Đông Á đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 9/8 do vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên.

Về nguyên nhân chậm công bố thông tin, công ty cho biết, trong thời gian qua, bộ phận kế toán của công ty mẹ và các công ty con có một số biến động về nhân sự, đặc biệt là vị trí kế toán tổng hợp. Trong khi đó, nhân sự thay thế chưa đủ thời gian nắm bắt toàn bộ công việc. Bên cạnh đó, công ty mới chuyển đổi phần mềm kế toán mới và gặp một số trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi dữ liệu, vận hành. Điều đó đã ảnh hưởng đến công tác nhân sự, thu thập, tổng hợp dữ liệu và hoàn thiện báo cáo tài chính quý đúng hạn theo quy định.

Các lần chậm công bố thông tin, Công ty đều có văn bản xin chậm công bố thông tin, giải trình theo yêu cầu của HOSE và thực hiện công bố thông tin ngay sau khi hoàn thành. 

Tình trạng giảm doanh thu cũng diễn ra tại CTCP Nhựa An Phát Xanh (HOSE: AAA). Theo đó trong quý II, AAA ghi nhận doanh thu giảm xấp xỉ 39% svck 2022 xuống còn hơn 2.791 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tuy cũng giảm gần 40% nhưng lợi nhuận gộp vẫn giảm 35,6% cùng kỳ năm ngoái, xuống hơn 221 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm không đáng kể, chi phí tài chính đi ngang svck năm trước. Trong đó, chi phí lãi vay tăng 30% lên khoảng 46,6 tỷ đồng. Lãi từ công ty liên kết, liên doanh giảm từ 8,4 tỷ đồng còn 3,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 57% cùng kỳ 2022. Mặc dù các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm svck lần lượt 41% và 3,5% nhưng lợi nhuận ròng quý II vẫn giảm 45,6% xuống 50,7 tỷ đồng. Theo báo cáo giải trình, lãi ròng hợp nhất của AAA giảm chủ yếu do lợi nhuận từ mảng hoạt động thương mại giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty thu về 6.408 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 114 tỷ đồng lãi ròng, đều giảm lần lượt 25,5% và 39,6% cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, AAA đặt doanh thu kế hoạch 12.500 tỷ đồng, lãi ròng 500 tỷ đồng. Với kết quả trên, qua nửa năm, công ty đã hoàn thành 51% chỉ tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt 22,8% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

 

Tương tự, doanh thu và lợi nhuận quý II của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) đều đi lùi svck. Theo đó, Nhựa Tiền Phong ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 1.127 tỷ đồng, giảm 25,6% svck năm ngoái. Trong đó, các khoản doanh thu bán sản phẩm, doanh thu khác cùng các khoản giảm trừ và chiết khấu đều giảm, trong khi mục hàng bán trả lại đã tăng gần gấp đôi svck lên 4,3 tỷ đồng.

Do bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế nửa đầu năm nay, doanh thu bán sản phẩm của Nhựa Tiền Phong đều giảm cả trong nước và xuất khẩu, lần lượt đạt 2.077 tỷ đồng và 22,5 tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 16% và 28% svck.

Lợi nhuận gộp giảm khoảng 32% còn 285 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm nhẹ từ 27,7% của quý II/2022 còn 25,2% kỳ này.

Trừ thuế và chi phí, lãi ròng quý II Nhựa Tiền Phong ghi nhận 122 tỷ đồng, giảm 29,4% svck năm trước nhưng đã cải thiện nhẹ so với mức lãi 118 tỷ đồng trong quý I/2023. Giải trình về kết quả kinh doanh, công ty cho biết sự sụt giảm lợi nhuận là do doanh thu bán thành phẩm quý II giảm 542 tỷ đồng svck.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Tiền Phong thu về 2.239,7 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 9% cùng kỳ năm ngoái, lãi ròng cũng giảm 17% svck. 

 

Ở chiều ngược lại, CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) là một trong số ít doanh nghiệp ngành nhựa chứng kiến KQKD khởi sắc khi vừa đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp lập kỷ lục mới với khoản lợi nhuận gần 300 tỷ đồng trong quý II/2023.

Cụ thể, trong quý II, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.336 tỷ đồng, giảm 14% svck. Tuy nhiên lợi nhuận ròng cao gấp đôi cùng kỳ, đạt 295 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh từ 25% cùng kỳ năm ngoái lên 43% trong quý này.

Trong báo cáo ngày 20/7 mới đây, nhóm phân tích Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mức tăng trưởng ấn tượng này nhờ sự chênh lệch lớn giữa giá đầu vào và giá bán (giá đầu giảm giảm trong khi giá bán duy trì ổn định). Ngoài ra, mức tăng mạnh xấp xỉ 3 lần svck của doanh thu tài chính cũng góp phần vào kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp.

Mức lãi ròng quý II/2023 đạt 294,6 tỷ đồng là kỷ lục mới về lợi nhuận hàng quý sau khi Nhựa Bình Minh thành công ty con của Nawaplastic Industries, thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan), vào đầu quý II/2018. Kết quả này đã nối dài mạch tăng trưởng dương 6 quý liên tiếp của BMP.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần 2.797 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi ròng gấp đôi cùng kỳ lên 575 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 88% kế hoạch lãi ròng cả năm 2023. 

 

Trong khi Nhựa Bình Minh báo lãi ấn tượng, một công ty con của Nhựa Bình Minh là CTCP Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) lại công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2023 với doanh thu của công ty đạt 9,7 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2022 nhưng lợi nhuận gộp giảm 17,6% còn hơn 2,8 tỷ đồng trong quý II khiến biên lợi nhuận cũng giảm mạnh từ 68% xuống 28,5%. Trừ thuế và chi phí, công ty lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng trong quý II, cùng kỳ năm ngoái lãi 144 triệu đồng. Theo Nhựa Đà Nẵng, do tình hình thị trường không khả quan dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh vẫn còn lỗ, không đạt kế hoạch như dự kiến mặc dù công ty đã cố gắng đẩy mạnh công tác bán hàng, tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm,...

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Nhựa Đà Nẵng đạt 16,2 tỷ đồng, tăng 70,5% cùng kỳ 2022, lỗ ròng 2,2 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 876 triệu đồng. Với kết quả này, công ty mới hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu cả năm 2023.

 

Tiếp theo, CTCP Bao bì Tân Tiến (UPCoM: TTP) cũng ghi nhận tăng trưởng tốt với lãi ròng tăng mạnh.

Cụ thể, quý II, lãi ròng của công ty đạt 38,3 tỷ đồng, gấp gần 5 lần svck 2022. Doanh thu giảm nhẹ cùng kỳ về mức 444 tỷ đồng.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp gấp 3 lần cùng kỳ lên 63 tỷ đồng cũng là 1 trong những yếu tố giúp công ty lãi đậm. Bên cạnh đó, TTP không ghi nhận chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng 18% lên 13 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 8% còn 9,2 tỷ đồng. Giải trình về kết quả kinh doanh, công ty cho biết do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm cùng với việc kiểm soát tốt phí hao trong sản xuất nên lợi nhuận sau thuế tăng cao.

Lũy kế 6 tháng, công ty thu về 872 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 5,3% svck, lãi ròng vượt lên 66 tỷ đồng, tương ứng tăng xấp xỉ 6 lần cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, TTP đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu cả năm 2023.

 

Phía CTCP Nhựa - Bao bì Vinh (HNX: VBC) cũng báo lãi tăng trong quý II/2023.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 228 tỷ đồng, giảm 16,4% svck, tuy vậy lãi ròng 7,6 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với quý II năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng, công ty thu về 429 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17,8%, tổng lãi trước thuế đạt 17,7 tỷ đồng, lãi ròng giảm nhẹ 4% về mức 14,1 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng, công ty đã hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lãi trước thuế.