Triển vọng thị trường chứng khoán tháng 5 qua lăng kính của các công ty chứng khoán

Xuân Nghĩa 09:49 | 09/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đa phần các công ty chứng khoán (CTCK) nhận định thị trường sẽ diễn biến khó lường trong tháng 5. Tuy nhiên, sau đợt giảm tháng 4, giá của nhiều mã cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn hơn. Những nhịp biến động (nếu có) sẽ là cơ hội để cơ cấu danh mục.

Báo cáo chiến lược tháng 5 của Rồng Việt (VDSC), sang tháng 5, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh và ĐHĐCĐ dần đi qua, nhóm phân tích không kỳ vọng có động lực thông tin từ phía doanh nghiệp đáng kể.

Tuy nhiên, sự điều chỉnh của thị trường trong tháng 4 kết hợp với kết quả kinh doanh tăng trưởng quý I tích cực và triển vọng trong các quý còn lại làm định giá thị trường trở nên hấp dẫn. VDSC cho rằng đây sẽ là yếu tố chính giúp thị trường có sự phục hồi trở lại sau những biến động mang tính chất tâm lý trong tháng 4.

 

Ngoài ra, những sự thay đổi một cách nhanh chóng về kỳ vọng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Fed đang làm nhà đầu tư tham gia thị trường tỏ ra quan ngại khi số liệu về kỳ vọng lạm phát gần đây không ủng hộ cho việc cắt giảm lãi suất sớm.

Về điểm số, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.165 - 1.280 điểm trong tháng 5. Trong kịch bản cơ sở, kết quả kinh doanh tích cực có thể giúp tâm lý giao dịch của thị trường đưa chỉ số về vùng đỉnh của năm 2024. Nếu những dữ liệu vĩ mô tiếp tục gây thất vọng cho kịch bản cắt giảm lãi suất hoặc những cơn gió ngược bất ngờ cũng có thể kích hoạt trạng thái điều chỉnh của thị trường.

Theo Chứng khoán BIDV (BSC), trong tháng 5 các thông tin hỗ trợ sẽ ít dần do doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, họp ĐHĐCĐ và kế hoạch kinh doanh trong tháng 4. Điều này có thể dẫn đến biến động khó lường cho thị trường chứng khoán.

BSC Research dự báo 3 kịch bản cho VN-Index năm 2024. Kịch bản tiêu cực, VN-Index tiệm cận 1.200 điểm. Kịch bản tích cực, chỉ số hướng đến 1.425 điểm. Kịch bản cơ sở với xác suất cao hơn, VN-Index sẽ đạt vùng 1.298 điểm.

Báo cáo tháng 5 của FIDT, sau nhịp điều chỉnh hơn 100 điểm của thị trường ở 2 tuần đầu tháng 4, hàng loạt các lệnh bán ra, kể cả các lệnh bán giải chấp của các công ty chứng khoán cũng được kích hoạt. Tuy nhiên, tính đến 20/4, dư nợ margin (chỉ tính riêng 48 CTCK) vẫn tăng và lên đến hơn 191.200 tỷ đồng (mức cao kỷ lục). Mặt khác, tỷ lệ margin/VCSH tại các CTCK lại hạ về 55% (vùng tương đối an toàn).

P/E thị trường cũng đã không còn ở định giá cao như trước. Theo đó, nhóm phân tích FIDT nhận định thị trường đã tạm an toàn và dần tạo điều kiện cho xu hướng mới, kỳ vọng các chất xúc tác vĩ mô phù hợp sẽ mang lại cho thị trường nhiều tích cực hơn trong quý II.

Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của SSI Research, với các yếu tố rủi ro, khi Fed gần đây phát đi tín hiệu khả năng neo lãi suất cao lâu hơn, biến động của tỷ giá vẫn là một yếu tố thị trường vẫn tiếp tục phải theo dõi trong hai quý tới. Biến động tăng lại của lãi suất cũng là một quan ngại, tuy nhiên quan điểm của SSI là lãi suất sẽ chỉ chuyển từ mức rất thấp về mức thấp và định hướng của chính sách tiền tệ vẫn giữ nguyên không thay đổi.

Ở mặt bằng định giá chung, hệ số P/E forward một năm của VN-Index sau nhịp điều chỉnh đã tiến về lại vùng định giá hấp dẫn trong dài hạn (11,2 lần). Thị trường sẽ được hỗ trợ khi tiến sâu hơn vào vùng định giá hấp dẫn này và sự phân hóa sẽ diễn ra với lợi thế thuộc về các nhóm cổ phiếu cho thấy sự phục hồi và quay lại quỹ đạo tăng trưởng của KQKD cốt lõi, như những gì đã diễn ra trong tháng 4 là tháng cao điểm hấp thụ thông tin KQKD quý I.

Thị trường nằm trong vùng định giá hấp dẫn sau nhịp điều chỉnh. (Nguồn: Báo cáo chiến lược tháng 5 của SSI Research).

Tiêu dùng, du lịch, hoạt động thương mại phục hồi, giải ngân FDI bứt phá có thể là các tín hiệu ban đầu hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận tiếp tục trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để có nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng bền vững của TTCK, tăng trưởng lợi nhuận phục hồi bền vững trên diện rộng trong các quý tiếp theo là điều cần thiết.

Riêng tháng 5 là tháng vùng trũng thông tin về lợi nhuận, sự quan tâm của TTCK sẽ quay lại chú ý đến các biến động về lãi suất, lạm phát và các thông tin chính sách từ kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khai mạc vào ngày 20/5.

Theo SSI Research, các tín hiệu kỹ thuật trung hạn như RSI và ADX đều giữ ở trạng thái trung tính yếu, chưa ủng hộ cho sự hồi phục xu hướng hoàn toàn. Tín hiệu này cho thấy thị trường vẫn còn rủi ro điều chỉnh kỹ thuật, nhưng đây có thể là pha cuối của chu kỳ điều chỉnh này.

VN-Index trong tháng 5 khả năng sẽ có các kịch bản sau. Trường hợp tiếp tục phục hồi, nếu chỉ số vượt ngưỡng 1.278 - 1.280 điểm thì hướng lên vùng 1.310 điểm. Kém tích cực hơn, thị trường quay trở lại nhịp điều chỉnh, VN-Index được hỗ trợ quanh vùng 1.160 - 1.180 điểm, tích lũy và tạo nền để quay trở lại xu hướng tích cực, hướng về lại vùng 1.260 - 1.270 điểm trong tương lai. 

(Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo chiến lược tháng 5).

Quan sát những nhịp biến động để cơ cấu danh mục phù hợp

Nhóm phân tích của SSI khuyến nghị trước khi thị trường xây lại nền tảng vững chắc, việc đa dạng và cân bằng trạng thái danh mục, nắm bắt nhanh cơ hội ở những nhịp biến động là chiến lược phù hợp nhà đầu tư cần chuẩn bị trong bối cảnh hiện nay. Báo cáo của SSI Research đưa ra 5 ý tưởng đầu tư gồm IDC, ACV, PVS, MSN và PVT.

Với nhận định TTCK tháng 5 chưa có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ, VDSC kỳ vọng chỉ số sẽ giằng co trong biên độ tương đương tháng 4. Trong sự vận động đó, cơ hội tái cấu trúc danh mục cũng như giảm giá vốn danh mục đầu tư vẫn luôn xuất hiện tại những điểm thấp và điểm cao của thị trường.

VDSC cho rằng những thời điểm thị trường đi xuống trong tháng 5 sẽ là điểm mua tiềm năng đối với cả nhà đầu trung dài hạn và cả nhà đầu tư ưa thích giao dịch. Nhóm cổ phiếu ưa thích bao gồm ngân hàng (ACB, CTG, MBB); thép, hàng tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng (HSG, HPG, MWG, HAX, SCS, MSN); bất động sản (KDH, NLG, LHG, PHR, SIP, KBC); dầu khí (PVD).

Nhóm phân tích của FIDT nêu 3 ý tưởng đầu tư cần theo dõi trong tháng 5. Thứ nhất là nhóm bất động sản dân sinh với sự ấm lại của thị trường thúc đẩy doanh số bán hàng và bàn giao của các doanh nghiệp bất động sản, dòng tiền có dấu hiệu tích luỹ vào nhóm bất động sản sau đợt điều chỉnh.

Thứ hai là nhóm bán lẻ, động lực chính trong 2024 bao gồm lãi suất giảm và kinh tế phục hồi, chính sách hỗ trợ kích cầu từ chính phủ bắt đầu thẩm thấu, và  phục hồi lợi nhuận từ mức đáy trong 2023.

Cuối cùng là nhóm chứng khoán, nhờ các yếu tố: sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc nâng hạng thị trường; lợi nhuận sau thuế ngành đạt 3.850 tỷ đồng (tăng 129% so với cùng kỳ năm trước), TTCK dần ổn định từ sau cú giảm mạnh; tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán còn thấp nhưng đang tăng nhanh; hệ thống KRX đi vào hoạt động sẽ phản ánh tích cực lên BCTC của các CTCK.

(Nguồn: Báo cáo tháng 5 của FIDT).

Báo cáo danh mục gần nhất của Agriseco cho thấy, sau đợt giảm tháng 4, giá của nhiều mã cổ phiếu đã về vùng hấp dẫn với tỷ lệ P/E thị trường là 14,7x lần. Nhiều cổ phiếu đã có mức chiết khấu đủ lớn từ mức đỉnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VN30.

Tháng 5, Agriseco nhận định TTCK có những cơ hội và khó khăn đan xen. Theo đó, các cơ hội đầu tư tháng 5 được nhóm phân tích lựa chọn tập trung vào nhóm VN30 và cổ phiếu đầu ngành đã có mặt bằng định giá an toàn đồng thời kỳ vọng duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong các quý tới. Các ý tưởng đầu tư cụ thể gồm: GMD, HPG, MSN, PVD, VHM và VPB.

Báo cáo tháng 5 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nhận định xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đang ở mức tăng. Mức định giá thị trường P/E TTM của chỉ số VN-Index giao dịch dưới mức 14,x, cùng với đó là mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và E/P của VN-Index giảm mạnh cho thấy lợi suất của TTCK đang hấp dẫn hơn so với kênh tiết kiệm, điều nay cho thấy dư địa tăng trưởng của TTCK còn nhiều trong dài hạn.

Nhóm phân tích của Yuanta nêu các nhóm cổ phiếu đáng chú ý trong tháng 5 gồm: ngân hàng, chứng khoán, hóa chất, sản xuất thực phẩm, bán lẻ, du lịch - giải trí, dịch vụ dầu khí, công nghệ.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nghiêng về kịch bản (70% xác suất) VN-Index sẽ vận động giằng co tích lũy với thanh khoản thấp trong vùng 1.195 – 1.265 điểm, trước khi có những nhịp breakout (bứt phá) lên. Kịch bản còn lại (30% xác suất), chỉ số có thể rơi vào trạng thái tiêu cực hơn, tiếp tục phá vỡ vùng đáy ngắn hạn và rơi về quanh vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.115 (+-15) điểm trước khi có cơ hội bước vào nhịp hồi phục rõ nét.

Đối với danh mục khuyến nghị trong tháng 5, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV ưu tiên lựa chọn các mã cổ phiếu bao gồm: FPT, PC1, VCB, TCB, VNM, DXG, GVR, FRT, KBC, MWG.