Triết lý tránh thị phi công sở: `Trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ`
Những câu chuyện thị phi công sở, lời ra tiếng vào luôn là vấn đề thường trực của đời sống mà không nơi đâu là không có, đặc biệt là trong môi trường của dân văn phòng. Có những câu chuyện luôn bị “một đồn mười, mười đồn một trăm” mà dẫn đến bản chất hoàn toàn khác hẳn so với sự thật đơn giản và minh bạch ban đầu, khiến cho rắc rối nảy sinh.
Đến cuối cùng, dù chiếm bao nhiêu phần trăm sự thật thì khổ chủ bị thị phi bủa vây sẽ luôn ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, bị rạn nứt các mối quan hệ xung quanh.
Đó chính là lý do mà triết lý “Trong ruộng dưa đừng cột dây giày, dưới gốc mận đừng sửa mũ” trở thành phương châm mà ai cũng cần biết để né xa thị phi công sở và những lời đàm tiếu xung quanh.
Triết lý "ruộng dưa gốc mận" để tránh thị phi công sở
Thuở xưa, Đường Văn Tông (Lý Ngang) hỏi Công Bộ Thị Lang Liễu Công Quyền rằng, gần đây người ngoài bàn tán triều đình ra sao?
Liễu Công Quyền đáp: “Từ lúc Quách Khiếu được ngài bổ nhậm làm Huyện Lệnh huyện Bân Ninh (nay thuộc Thiểm Tây) đến giờ; tuy có người đồng ý, nhưng cũng có người xầm xì bàn tán”.
Đường Văn Tông không vui, hỏi lại: “Quách Khiếu là chú của Hoàng thái hậu, có thân phận Kim Ngô Đại Tướng, làm quan to cũng không có gì là quá, vậy mà cho giữ chức Huyện Lệnh Bân Ninh còn có gì để nói sao?”
Công Bộ Thị Lang Liễu Công Quyền đáp: “Quách Khiếu đã đóng góp nhiều công lao đối với quốc gia, do đó, khi bổ nhiệm ông ta làm Huyện Lệnh Bân Ninh là hoàn toàn thích hợp. Thế nhưng, không tránh được có người cho rằng, vì dâng hai người con gái tiến cung nên Quách Khiếu mới được nhậm chức”.
Đường Văn Tông vội bảo: “Hai người con gái của Quách Khiếu tiến cung chỉ là để hỏi thăm sức khỏe hoàng thái hậu, nào phải dâng vào cung đâu?”
Liễu Công Quyền nghe vậy thì nói rằng: “Vậy thì ngài nên nghe hai chuyện xưa này, sau khi nghe xong ngài sẽ hiểu rõ hơn. Có một người đội mũ đi ngang qua một vườn mận chín, trong lúc tình cờ đưa tay lên sửa mũ trên đầu, người khác thấy vậy, lập tức nghi ngờ ông ta định hái trộm mận.
Ở một ruộng dưa nơi khác, có một người cũng tình cờ đi ngang qua, đúng lúc bị tuột dây giày, thế là ông ta cúi người xuống để cột lại, người khác thấy vậy, lập tức nghi ngờ ông ta định hái trộm dưa.
Rõ ràng, cả hai người này đều không làm điều gì xấu, nhưng ở những thời điểm và địa điểm không thích hợp, hành vi của họ lại khiến người khác sinh lòng hiềm nghi như vậy đấy.”
Sau khi nghe xong, Đường Văn Tông mới hiểu rõ ý nghĩa đằng sau. Ông lập tức công khai minh bạch một cách rõ ràng về nguyên nhân bổ nhiệm Quách Khiếu vào chức vụ huyện lệnh với toàn thể văn võ bá quan, khiến mọi người phải tâm phục khẩu phục.
Cách áp dụng triết lý "tránh drama" này cho dân văn phòng
Trong môi trường làm việc, triết lý “ruộng dưa gốc mận” kể trên cũng được áp dụng khi mà dân văn phòng phải hàng ngày đối mặt với vô vàn thị phi công sở, và dễ trở thành tâm điểm cho những kẻ “ghen ăn tức ở” thích châm chích, chống đối.
Nếu một ngày đẹp trời nào đó, bạn được thưởng vì đạt được thành tích nhân viên xuất sắc nhất, hoặc thậm chí là thăng chức, tăng lương. Bấy nhiêu đó đủ để gây ra thị phi, khiến những những kẻ ghen ghét dấy lên nghi vấn và tin đồn.
Ở vào trường hợp này, bạn cần phải làm gì? Câu trả lời chính là học tập cách xử lý của Đường Văn Tông như câu chuyện trên: Phải khiến họ tâm phục khẩu phục.
Tự tin thể hiện chính mình là cách thức quan trọng nhất để đập tan những thị phi công sở.
Đừng bao giờ thể hiện sự phẫn nộ, bực bội và tìm cách đáp trả những thị phi, tin đồn xung quanh vì bạn càng phản ứng càng khiến những kẻ xấu chơi có cơ hội hả hê và cho rằng những suy diễn của bản thân mình là có căn cứ.
Nếu bản thân thực sự có năng lực, đừng ngại thể hiện mình và càng không bao giờ quan ngại khi bản thân nhận được những sự tưởng thưởng xứng đáng. Những kỹ năng, thành tựu của bạn sẽ là điều mà không ai có thể phủ nhận được.
Ngay trong biểu hiện thường ngày, hãy luôn nỗ lực tự rèn giũa bản thân để trở nên xuất sắc hơn cả, khiến không ai có thể phủ nhận công sức của mình. Có như vậy, những thành tố sâu mọt nơi công sở mới hết đường đặt điều, ghen ghét và tạo thị phi.
Xem thêm: Nỗ lực không ngừng mới có cơ hội thành công: Bài học sâu xa giúp dân công sở phải cảnh tỉnh
Phương Thúy