Trong 10 ngày, Điện Gia Lai (GEG) giải thể 2 công ty con
Theo Báo cáo thường niên 2021, Công ty TNHH MTV Xây lắp và Cơ điện Gia Lai được thành lập ngày 30/8/2011, vốn điều lệ 17 tỷ đồng. Công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình Thủy điện vừa nhỏ; sản xuất bê tông, sản phẩm từ xi măng, thạch cao. Trụ sở tại 114 Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Theo báo cáo tài chính quý III của Điện Gia Lai, tính đến ngày 30/9, Công ty TNHH MTV Xây lắp và Cơ điện Gia Lai nằm trong 11/14 công ty con được hợp nhất của GEG, 3 công ty con còn lại đã được thành lập, nhưng chưa góp vốn.
Trước đó, ngày 7/12, HĐQT Điện Gia Lai cũng phê duyệt giải thể Công ty TNHH MTV Điện mặt trời Phong Điền - công ty con của GEG - có trụ sở tại Phạm Văn Đồng, Vỹ Dạ, TP Huế, Thừa Thiên Huế.
Công ty TNHH MTV Điện mặt trời Phong Điền được thành lập năm 2019, có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng sản xuất điện. Đại diện pháp luật là ông Trần Nguyễn Quốc Huy. Theo BCTC hợp nhất quý III, Phong Điền nằm trong danh sách các công ty con đã thành lập nhưng chưa góp vốn của Điện Gia Lai.
Cùng ngày, HĐQT Điện Gia Lai cũng thông qua việc ngưng phương án phát hành hơn 30,3 triệu cổ phiếu giá 14.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. Lý do là để đảm bảo lợi ích cho cổ đông, Điện Gia Lai quyết định tạm dừng phương án phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu và sẽ xin ý kiến về phương án mới tại kỳ hợp ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2022 sắp tới.
Song song đó, HĐQT Điện Gia Lai thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên cho năm tài chính 2021 ngay sau khi phương án phát hành quyền mua cổ phần nói trên được gia hạn.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC đã chuyển nhượng thành công toàn bộ 44,2 triệu cổ phiếu (13,74%) đang nắm giữ tại Điện Gia Lai trong phiên 7/12 vừa qua. Sau giao dịch, IFC không còn là cổ đông của doanh nghiệp điện. Cùng ngày, đơn vị nhận chuyển nhượng số cổ phiếu trên cũng lộ diện. Đây là một cổ đông lớn khác của GEG có tên AVH Pte. Ltd. Các tổ chức và cá nhân đã chuyển quyền sở hữu thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Cùng ngày 7/12, tổ chức này còn nhận chuyển nhượng thêm hơn 1,9 triệu cổ phiếu từ bà Trần Tiểu Phụng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của AVH tại Điện Gia Lai đã tăng lên 35,1% tương ứng nắm giữ xấp xỉ 113 triệu cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, quý III, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần tăng 67%, đạt hơn 521 tỷ đồng; lãi ròng gấp 2,4 lần cùng kỳ, đạt 125 tỷ đồng.
Theo giải trình của doanh nghiệp, mức tăng lợi nhuận trên đến từ doanh thu bán điện tăng mạnh (đồng thời giá vốn tăng hơn 118 tỷ đồng) do các nhà máy điện gió đã đi vào vận hành thương mại từ quý IV/2021.
GEC hiện đang vận hành và thi công 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và điện gió tại 14 tỉnh, thành với tổng công suất 728 MWp đưa doanh thu bán điện trở thành nguồn doanh thu chính của Công ty với tỷ trọng 92% trong doanh thu thuần.
Lũy kế 9 tháng doanh thu thuần của Điện Gia Lai đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng lũy kế hơn 297 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ.
Phiên sáng 19/12, giá cổ phiếu GEG đang giao dịch quanh mức 13.300 đồng/cp, giảm hơn 50% so với đỉnh 26.800 đồng/cp (ngày 9/3).