Trung Quốc cân nhắc tham gia CPTPP để `phủ rộng` thị trường không Mỹ
Cùng với hiệp định RCEP được ký kết vào ngày 15/11, nếu việc Trung Quốc cân nhắc tham gia vào CPTPP được xem là một trong những bước đi phủ rộng thị trường của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu ngày 20/11 tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức theo hình thức trực tuyến do Malaysia chủ trì, ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc sẽ tích cực cân nhắc về ý tưởng tham gia CPTPP. ông Tập kêu gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải bảo vệ tính đa phương và thúc đẩy hoạt động thương mại đầu tư tự do và mở.
Trước đó, Trung Quốc là một trong 15 quốc gia đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP hiện được xem là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, điều này có nghĩa là quốc gia Đông Á sẽ là thành viên của 2 hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực. Trong khi đó, Mỹ đều không tham gia 2 hiệp định này, động thái mà giới quan sát cho rằng có thể tác động tới tầm ảnh hưởng của Washington về vấn đề thương mại tại khu vực.
Hồi tháng 9, đại diện của Anh đã có cuộc trao đổi với các thành viên CPTPP nhằm thảo luận về việc gia nhập thoả thuận này. Hiệp định được xem là nhân tố quan trọng giúp đảo quốc sương mù phát triển kinh tế sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trong sự kiện hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tham gia lần đầu tiên kể từ sau khi ông tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2017. Tuy nhiên, các phát biểu của ông Trump không được công khai.
Phát biểu với truyền thông hôm 20/11, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow mô tả hội nghị thượng đỉnh APEC là “cuộc họp tốt, lành mạnh, xây dựng, hợp tác”. Ông Kudlow cũng cho biết ông Trump đã giới thiệu về tiến triển của Mỹ trong cuộc chiến chống Covid-19, gồm 2 ứng cử viên vắc xin được thử nghiệm thành công và nền kinh tế đang phục hồi.
Trước đó Thủ tướng Nhật Bản Suga cho hay ông muốn mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), với khả năng thu hút Trung Quốc và Anh tham gia.
Vì sao Trung Quốc mong muốn tham gia CPTPP
Trước hết, với việc Mỹ không tham gia CPTPP và với hiệp định RCEP vừa được ký kết, điều này sẽ mang lại cho Trung Quốc hội nhập kinh tế với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhằm phủ rộng thị trường mà không có Mỹ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Thứ hai, CPTPP có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào thị trường Mỹ cũng như khả năng dễ tổn thương của nền kinh tế nước này trước hành động tăng thuế và các biện pháp trừng phạt khác của Washington.
Bên cạnh đó, cũng giống như việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cách đây hai thập kỷ, việc gia nhập CPTPP có thể tạo ra áp lực bên ngoài để Bắc Kinh tiến hành một số cải cách cần thiết ở trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.
Cuối cùng, đó có thể là một hành động táo bạo của Bắc Kinh để chứng minh cho thế giới thấy rằng Trung Quốc nghiêm túc với tự do hóa thương mại và cải cách cơ cấu, trong khi Mỹ đang trượt sâu hơn vào chủ nghĩa bảo hộ.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định thương mại tự do được đàm phán từ tháng 3/2010, bao gồm 12 nước thành viên là Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP được chính thức ký ngày 4/2/2016 và được dự kiến sẽ có hiệu lực từ 2018. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, khiến TPP không thể đáp ứng điều kiện có hiệu lực như dự kiến ban đầu. Tháng 11/2017, các nước thành viên TPP ra Tuyên bố chung thống nhất đổi tên TPP thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP (không bao gồm Mỹ). Hiệp định CPTPP đã được 7 nước thành viên phê chuẩn, bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand, Việt Nam và đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. CPTPP giữ nguyên gần như toàn bộ các cam kết của TPP ngoại trừ các cam kết của Mỹ hoặc với Mỹ; 22 điểm tạm hoãn và một số sửa đổi trong các Thư song phương giữa các Bên của CPTPP. |
Xem Thêm: Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27: Hội nghị hiếm hoi quy tụ cả 3 lãnh đạo của Mỹ - Nga - Trung Quốc
Nguyễn Dung(t/h)