Trung Quốc: Nới lỏng phòng dịch giúp đà phục hồi kinh tế tăng tốc
Giới chuyên gia Trung Quốc đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự phục hồi kinh tế nước này trong năm nay sau khi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1 tốt hơn dự kiến.
Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố mới đây cho thấy GDP của nước này trong quý 1 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% so với quý 4/2022, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý 2 năm ngoái.
Theo NBS, tổng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp công nghiệp trên quy mô được chỉ định từ tháng 1-3 năm nay đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự phục hồi nhanh chóng của sản xuất công nghiệp và những kỳ vọng kinh doanh được cải thiện.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong cùng thời gian cũng tăng trưởng một cách vững chắc 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đầu tư vào phát triển bất động sản giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thu hẹp so với mức giảm 10% của cùng kỳ năm 2022.
NBS cho biết tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong quý I vừa qua cũng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng doanh số bán lẻ tháng 3 đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế của đất nước.
Giới phân tích cho rằng kể từ khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, đà phục hồi kinh tế của nước này đã "nhấn nút tăng tốc."
Nhà kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh Tào Hòa Bình nhấn mạnh "có nhiều điểm nổi bật trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2023, như doanh số bán xe điện và các bộ phận liên quan tăng trưởng mạnh, xuất khẩu tốt hơn dự kiến trong tháng 3 cũng như tốc độ tăng trưởng cao trong đầu tư cơ sở hạ tầng."
Giáo sư Vạn Triết, một nhà kinh tế tại Trường Vành đai và Con đường của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy đổi mới trong những công nghệ bị đình trệ đã đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong các ngành công nghiệp khác nhau, củng cố đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế đồng thời là người đứng đầu Viện Nghiên cứu đầu tư Trực Tín, Liên Bình, cho rằng "với việc khởi động các dự án lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng tốc trong quý 2/2023, cùng với việc đầu tư sản xuất ổn định và đầu tư bất động sản phục hồi, sẽ cùng nhau thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định của đầu tư tài sản cố định."
Người phát ngôn NBS, ông Phó Lăng Huy cho biết trong tương lai, hiệu quả kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục chứng kiến sự cải thiện tổng thể nhờ vào việc củng cố động lực nội tại và các chính sách tăng cường, đồng thời lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc đáng kể trong quý 2.
Chuyên gia Trần Phong Anh, nhà kinh tế và là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Thế giới tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc cho rằng, “nền kinh tế có thể sẽ phục hồi trở lại mức cao nhất là 8% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 do mức cơ sở thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái,” đồng thời lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ vượt mục tiêu khoảng 5% đã đặt ra.
Chuyên gia Điền Vân, một nhà kinh tế kỳ cựu ở Bắc Kinh, cho rằng những dữ liệu tốt hơn mong đợi này đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà tiến tới sự phục hồi hoàn toàn, điều có thể sẽ khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong dự báo Triển vọng Kinh tế Thế giới tiếp theo của tổ chức này.
Chuyên gia này cũng dự báo, trong quý 2/2023, tiêu dùng của Trung Quốc sẽ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, với việc tiếp tục thực hiện các chính sách thúc đẩy tiêu dùng và ổn định thị trường bất động sản, cùng với sự tăng trưởng ổn định của xuất khẩu, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 6% trong quý 2/2023.
Các số liệu kinh tế vĩ mô tốt hơn mong đợi cũng đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của các tổ chức tài chính quốc tế về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
AFP: Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 3,8% trong quý 1 năm 2023
Phó Giám đốc doanh nghiệp của Fitch Bohua, một công ty con của Fitch Ratings, Darius Tang, nhận định "dữ liệu kinh tế vĩ mô trong quý đầu tiên của năm 2023 cho thấy phản hồi tích cực từ nền kinh tế Trung Quốc về việc tối ưu hóa các biện pháp phòng ngừa COVID-19 và chúng tôi duy trì thái độ lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023."
Trong khi đó, JP Morgan đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ mức 6% trước đó lên 6,4%.
Trước đó, hãng tin Reuters (Anh) công bố kết quả thăm dò cho thấy kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 4,0% trong quý từ tháng 1-3/2023.
Theo Reuters, GDP của Trung Quốc lấy lại đà tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm nay nhờ dỡ bỏ những hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, những số liệu gần đây cho thấy sự hồi phục này vẫn chưa đều, với tiêu dùng, dịch vụ và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng nhưng lạm phát chậm lại và tiền tiết kiệm gửi ngân hàng tăng làm dấy lên những nghi ngờ về nhu cầu.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2023 sẽ tăng 5,4% từ mức 3,0% năm 2022 và so với mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra hồi đầu năm.
Trong khi đó, các nhà phân tích do hãng tin AFP thăm dò ý kiến kỳ vọng rằng trong quý 1/2023 kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt các cuộc khủng hoảng, từ lĩnh vực bất động sản ngập trong nợ nần cho đến niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, lạm phát toàn cầu gia tăng và nguy cơ suy thoái ở những nơi khác.
Larry Hu, nhà kinh tế hàng đầu về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Macquarie, cho biết: “Sự phục hồi là có thực, nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu."
Ông nói rằng: “Bất kỳ sự phục hồi nào cũng sẽ diễn ra từ từ, phần lớn là do niềm tin của người tiêu dùng yếu kém, điều này khiến các công ty “miễn cưỡng” thuê thêm nhân viên.
Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong cả năm ngoái, mức yếu nhất trong nhiều thập kỷ.
Nhà phân tích Teeuwe Mevissen của Rabobank cho biết, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản leo thang - cùng với ngành xây dựng chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc - tiếp tục đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế.
Các nhà kinh tế cũng sẽ theo dõi sát sao số liệu bán lẻ của nước này trong tháng 3/2023, chỉ số chủ chốt của tiêu dùng hộ gia đình công bố vào thứ Ba (18/4). Doanh số bán lẻ đã tăng trong tháng 1 và tháng 2/2023 sau 4 tháng giảm liên tiếp, theo số liệu chính thức.
Trước đó, ngày 14/4, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ duy trì thanh khoản dồi dào, ổn định tăng trưởng và việc làm, đồng thời tập trung vào mở rộng nhu cầu.