Khi những cơn gió ngược qua đi, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lấy lại điểm số một cách mạnh mẽ trong tháng 5. Kết quả kinh doanh quý I vượt ngoài mong đợi là nền tảng cho sự phục hồi của thị trường. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát tại Mỹ trở lại quỹ đạo hạ nhiệt đã củng cố niềm tin cho thị trường toàn cầu cũng như trong nước về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed.
Đại diện nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đều nhận định rằng cùng với sự ổn định vĩ mô và đà phục hồi của nền kinh tế cũng như triển vọng lợi nhuận ngày càng tích cực hơn cho doanh nghiệp, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể tiếp tục xu hướng uptrend từ nay đến cuối năm.
Dưới đây, người viết ghi lại nhận định của một số chuyên gia từ các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán về triển vọng của TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm:
Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam:
Tại Việt Nam, Dragon Capital dùng những công cụ đo lường đặc biệt để đo lường sự phục hồi. Chúng tôi đo sản lượng điện tiêu thụ để thấy sự phục hồi của sản xuất bắt đầu từ cuối quý III/2023, đo lưu lượng container ra vào cảng để thấy sự tăng trưởng nhu cầu từ thị trường quốc tế, đo hóa đơn chi tiêu mua sắm ở những chuỗi bán lẻ để thấy sự tăng trưởng của tiêu dùng trong nước.
Những con số phản ánh sự phục hồi chậm chạp đã diễn ra từ cuối quý III/2023. Đến thời điểm này, các ý kiến đều thống nhất rằng kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn đầu của sự hồi phục. Điều quan trọng là chúng ta sẽ duy trì sự hồi phục đó như thế nào?
Ước tính của Dragon Capital cho thấy trong quý I/2024, 80 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khoảng 15% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này đến từ tất cả các ngành nghề chứ không chỉ tập trung vào những ngành trụ cột như ngân hàng mà còn đến từ các ngành bán lẻ, sản xuất, vật liệu xây dựng…
Thậm chí nhìn rộng ra, sự phục hồi không chỉ đến từ các doanh nghiệp vốn hóa lớn, mà còn đang có xu hướng lan đến các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Với đà này, có thể kỳ vọng động lực phục hồi sẽ duy trì đến hết năm 2024.
Chúng tôi cũng kỳ vọng áp lực tỷ giá lắng bớt vào khoảng quý III, đầu quý IV/2024, khi đó thị trường có thể sẽ thấy rõ hơn sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết thể hiện qua sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế… Có thể nói từ nay đến hết năm sẽ là giai đoạn rất thuận lợi cho TTCK.
Ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM)
Một số nhân tố vĩ mô quan trọng tác động đến TTCK từ nay đến cuối năm và cả đầu năm 2025 có thể kể tới vấn đề tỷ giá, lạm phát và lãi suất.
Về tỷ giá, áp lực tỷ giá trong ngắn hạn có thể vẫn còn quan ngại khi Fed dự kiến không cắt giảm lãi suất sớm như thị trường mong đợi. Cùng đó, từ nay đến cuối năm, hiện tượng nhu cầu USD cho nhập khẩu tăng cao như trong tháng 5 vừa rồi cũng có thể gây áp lực nhất định lên tỷ giá.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng Fed và các NHTW lớn đã ở cuối chu kỳ tăng lãi suất và việc bắt đầu cắt giảm lãi suất chỉ là vấn đề thời điểm, không phải tháng 9 thì là muộn hơn. TTCK sẽ luôn đi trước trong việc phản ánh những yếu tố đó. Và ở thời điểm hiện tại, dù Fed chưa bắt đầu cắt giảm lãi suất nhưng NHNN Việt Nam sau hàng loạt can thiệp thời gian qua đã quản lý tốt vấn đề chênh lệch lãi suất, đưa chênh lệch lãi suất về mức hợp lý. Tôi cho rằng những rủi ro tỷ giá làm nhà đầu tư (NĐT) lo ngại như vừa qua sẽ giảm bớt trong thời gian tới.
Về lạm phát, nếu không có diễn biến gì đặc biệt liên quan đến địa chính trị toàn cầu thì có thể yên tâm lạm phát tại các nền kinh tế lớn vẫn trong tầm kiểm soát và không ảnh hưởng gì đến quỹ đạo chính sách của các NHTW lớn cũng như Việt Nam. Tại Việt Nam, mặc dù lạm phát có tín hiệu tăng trong tháng 5 nhưng theo tôi chưa có gì đáng quan ngại.
Với dự báo tỷ giá và lạm phát như vậy, tôi tin rằng không có lý do gì mà lãi suất tại Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Về chủ trương, trong năm nay, Chính phủ đang tập trung nhiều hơn vào thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5%. Với mục tiêu này, NHNN đã định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Khi các rủi ro liên quan đến lạm phát và tỷ giá đã lắng xuống thì không có lý do gì lo ngại mặt bằng lãi suất của Việt Nam sẽ tăng cao. Nếu lãi suất có tăng thì tôi cho rằng mức tăng cũng nhẹ và lãi suất vẫn sẽ ở mặt bằng thấp trong nhiều năm.
Tôi tin rằng môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi của doanh nghiệp. Đồng thời, có thể kỳ vọng cao hơn là dòng tiền từ NĐT trong nước sẽ trở lại thị trường nhiều hơn nếu mặt bằng lãi suất không tăng đáng kể. Bởi từ trước tới nay lãi suất luôn luôn là một chỉ số rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đổ vào các kênh đầu tư như TTCK, bất động sản hay gửi ngân hàng, mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp: mạnh dạn mở rộng đầu tư kinh doanh hay tăng vốn lưu động để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.
Cũng liên quan đến triển vọng TTCK trong thời gian tới, bên cạnh bộ ba tỷ giá, lạm phát và lãi suất, tôi muốn lưu ý hơn về yếu tố tăng trưởng kinh tế và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
Với môi trường vĩ mô như phân tích trên đây, tôi cho rằng khả năng phục hồi của các nhóm ngành kinh tế trong thời gian tới cũng sẽ tích cực. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2023 giảm 2,0%). Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên vì sản xuất phục hồi sẽ kéo theo tăng trưởng việc làm, thu nhập của người lao động, và từ đó kéo theo sức cầu tăng lên.
Không chỉ số liệu, mà thực tế chúng tôi đã trao đổi với rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất. Xu hướng là đơn hàng quay lại, công nhân tăng ca, một số ngành phải hoạt động toàn công suất như dệt may… để đáp ứng đơn hàng. Xa hơn, tôi kỳ vọng sức cầu nội địa cũng sẽ ấm lên và điều đó sẽ hàm ý đầu tư nhóm ngành nào hứa hẹn tăng trưởng lợi nhuận tốt trong nửa cuối năm nay và đầu năm sau.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC):
Ngay từ đầu năm, VDSC đã duy trì quan điểm TTCK năm 2024 sẽ là thị trường giá lên. Động lực quan trọng nhất thúc đẩy thị trường năm nay là sự phục hồi về lợi nhuận đi kèm với những bước tăng trưởng vĩ mô.
Năm nay, có thể thấy Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là tăng trưởng kinh tế thông qua việc đưa ra những chính sách hỗ trợ về cả tiền tệ và tài khóa. Việc NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 15% ngay từ đầu năm
NHNN đã cấp room tín dụng cho các ngân hàng lên đến 15% và giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm. Đây là điều chưa từng có tiền lệ, thể hiện nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất giảm khá sâu trong quý I qua là chất xúc tác rất tốt cho TTCK khi môi trường lãi suất thấp kích thích dòng vốn trong nước đẩy mạnh vào TTCK, tái định giá mặt bằng thị trường trong quá trình các doanh nghiệp niêm yết phục hồi lợi nhuận. Dựa trên xúc tác lãi suất thấp và phục hồi tăng trưởng lợi nhuận, định giá TTCK đang tịnh tiến về mức trung bình 10 năm.
Mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng quay đầu tăng lên với kỳ vọng từ nay đến cuối năm, nhu cầu tín dụng phục hồi theo đà phục hồi kinh tế, kéo theo nhu cầu huy động của hệ thống ngân hàng dự kiến cũng tăng lên. Tuy nhiên, theo tôi đây không phải là một rủi ro quá đáng kể với TTCK do mức lãi suất hiện nay còn thấp hơn cả giai đoạn COVID-19.
Theo kịch bản dự báo bởi một số ngân hàng thương mại lớn thì kịch bản lãi suất có thể tăng 75-100 bps từ nay đến cuối năm, nâng mặt bằng lãi suất cuối năm lên khoảng 5,25-5,5%, tương đương vùng lãi suất thấp thời COVID-19. Do đó không quá lo ngại việc lãi suất tăng ảnh hưởng đến triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm.
Về tỷ giá, việc Fed và các NHTW lớn cắt giảm lãi suất chỉ là vấn đề sớm hay muộn, và việc Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất đã được phản ánh vào tỷ giá biến động trong thời gian qua rồi. Một phần áp lực tỷ giá thời gian vừa qua đến từ sự biến động có chu kỳ của luồng ngoại tệ khiến ngoại tệ bị thâm hụt vào tháng 5 qua. Nhưng từ nay đến cuối năm, gần như chắc chắn Fed sẽ cắt giảm lãi suất, khi đó áp lực tỷ giá sẽ dịu bớt.
Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, những rủi ro về lãi suất hoặc tỷ giá cũng có thể sẽ có tác động mang tính thời điểm đến tâm lý nhà đầu tư và khiến thị trường điều chỉnh. Nhưng về cơ bản, dự báo xu thế giá lên của thị trường sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm.
Một biến số nữa có thể tác động đến triển vọng thị trường từ nay đến cuối 2024 và cả năm 2025 là câu chuyện về nâng hạng thị trường. Công tác chuẩn bị cho nâng hạng thị trường đã được triển khai khá lâu, mặc dù sự trì hoãn trong triển khai hệ thống KRX gần đây một mặt khiến cho thị trường thất vọng nhưng mặt khác cũng giúp cho thị trường tiếp tục duy trì kỳ vọng về nâng hạng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là kỳ vọng liên quan đến dự thảo luật sửa đổi và bổ sung một số điều luật liên quan đến hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán và hoạt động của CTCK. Các sửa đổi này nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá nâng hạng thị trường về việc hỗ trợ thanh toán (Non Prefunding Solution – NPS) đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Thực hiện: Thùy Dung