Từ 1/10/2020: Phạt nhà mạng nếu không chặn được tin nhắn rác

10:31 | 29/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nghị định số 91/2020 có hiệu lực từ 1/10/2020 sắp tới sẽ quản lý chặt chẽ những tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác. Ngoài ra, trong tháng 10 tới có không ít nghị định, thông tư mới đáng chú ý sẽ có hiệu lực.

Không quản được tin nhắn, cuộc gọi rác, nhà mạng còn bị phạt nặng hơn người gửi

Trong Nghị định số 91/2020 mới ban hành, những tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác là những tin có tính chất quảng cáo, thương mại mà người dùng không mong muốn nhận được. Các hành vi nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo. Đồng thời, thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.

Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp viễn thông, Internet nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu sẽ còn phải chịu mức tiền phạt cao nhất nhiều hơn cả đối tượng gửi tin nhắn rác. Mức phạt cao nhất sẽ lên tới 170 triệu đồng.

Mọi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng phải có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho khách hàng của mình các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác và cho phép người dùng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Các phương thức chặn tin quảng cáo rác được áp dụng chung bao gồm: 

- Chuyển thông tin về tin quảng cáo rác đến đầu số 5656 (Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, hiện tại đang là đầu số 456)

- Đăng ký số điện thoại vào Danh sách không quảng cáo

- Từ chối trực tiếp qua tin nhắn hoặc cuộc gọi (tin nhắn quảng cáo phải có chức năng chọn từ chối nằm ở cuối tin nhắn). Tin nhắn và cuộc gọi này không được phép thu phí cước.

Từ 1/10/2020: Phạt nhà mạng nếu không chặn được tin nhắn rác - ảnh 1

Nghị định 91 thắt chặt quản lý tin nhắn, cuộc gọi rác với cả bên nhắn và nhà mạng viễn thông

Mua hàng miễn thuế được nhận hàng ở nước ngoài

Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ban hành 28/8/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh hàng miễn thuế quy định cụ thể về các đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế, có hiệu lực từ 15/10. Các đối tượng được mua hàng miễn thuế căn bản vẫn như quy định cũ nhưng được tổng hợp lại trong một văn bản để dễ hiểu. Điểm đáng chú ý là Nghị định 100 bổ sung thêm một địa điểm nhận hàng miễn thuế. Khách mua hàng (trừ khách mua hàng trên chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam) được nhận hàng ở nước ngoài. 

Bán xăng dầu qua thùng, can, chai bị tăng mức phạt 

Nghị định số 99/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/10 sẽ tăng mức phạt đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, thùng, can, chai và dụng cụ chứa đựng khác. Từ mức phạt cũ là 02 - 04 triệu đồng tăng lên 03 - 05 triệu đồng. Quy định phạt không áp dụng với các hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.

Muốn cắt điện, cấp điện trở lại phải nộp tới 339.000 đồng 

Thông tư 23/2020/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành có hiệu lực từ 30/10/2020 đã quy định về mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại như sau:

- Với điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: 98.000 đồng;

- Với điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: 231.000 đồng;

- Với điểm có cấp điện áp trên 35 kV: 339.000 đồng.

Ngoài ra, thông tư cũng có quy định mới là bên cung cấp điện muốn cắt điện của khách hàng phải báo trước ít nhất 5 ngày (trong trường hợp cắt điện không khẩn cấp).

Từ 1/10/2020: Phạt nhà mạng nếu không chặn được tin nhắn rác - ảnh 2

Phí cắt điện, cấp điện trở lại tăng hơn trước kể từ 30/10
 
Bổ sung yêu cầu về an toàn lao động với một số công việc 
 
Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/10/2020 bổ sung yêu cầu nghiêm ngặt hơn về an toàn, vệ sinh lao động với một số công việc, bao gồm:
 
- Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa;
- Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp;
- Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30kg trở lên;
- Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên…
- Khám, chữa bệnh; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật; các công việc trong lĩnh vực dược phẩm.
- Trực tiếp vận hành máy bơm xăng, dầu, khí hóa lỏng; sửa chữa bồn, bể xăng, dầu, giao, nhận, bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
- Trực tiếp chế biến mủ cao su, nhựa thông.
- Trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa.
- Diễn viên xiếc, xiếc thú; vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp.
- Trực tiếp làm hỏa táng, địa táng…

Người lao động cần tìm hiểu quy định mới để đảm bảo quyền lợi của mình và người sử dụng lao động cần bổ sung các biện pháp bảo hộ lao động nếu cần thiết.

Kim Chi