Từ 20/4, đánh đập chó mèo, vật nuôi sẽ bị xử phạt tới 6 triệu đồng

16:15 | 31/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ ngày 20/4/2021, việc hành hạ, đánh đập động vật như chó, mèo… là hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi, có thể bị xử phạt đến 3 triệu đồng với cá nhân và 6 triệu đồng với tổ chức.
Từ ngày 20/4/2021 tới đây, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi sẽ có hiệu lực.
 
Nghị định 14/2021/NĐ của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
 
Từ 20/4, đánh đập chó mèo, vật nuôi sẽ bị xử phạt tới 6 triệu đồng - ảnh 1
 
 
Một trong những quy định đáng chú ý tại Nghị định 14/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính chăn nuôi do Chính phủ ban hành đó là khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP nêu rõ:
 
Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Về quy định đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo bị phạt tới 3 triệu đồng, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền nêu trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân.

Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền gấp đôi. Nghị định 14/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 64/2018/NĐ-CP. Như vậy, đối với các tổ chức, tập thể có hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi... có thể bị phạt tới 6.000.000 triệu đồng.

Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
 
Bên cạnh đó, Nghị định 14 cũng quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
 
Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm.
 
Phạt tiền từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Nghị định 14/2021 còn tăng mức xử phạt với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ, tối đa 50.000.000 đồng (hiện nay tối đa 30 triệu đồng).
 
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi do còn mới mẻ nên giai đoạn đầu mức xử phạt không nên quá nặng để người dân làm quen, thay đổi nhận thức.

Theo quy định hiện hành, hành vi hành hạ là việc dùng sức mạnh để đánh đập, bắt trói, giam cầm hoặc không cho ăn, không cho uống, không chăm sóc... vật nuôi. Trưởng Công an cấp xã, Chủ tịch UBND các cấp được cấp quyền xử phạt với hành vi này.

Vật nuôi theo quy định hiện hành được xác định gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi, gồm trâu, bò, lợn, gà, chó, mèo, ngan, ngỗng, vịt...
 
 
Hà Ly