Tuổi trẻ có nên nhảy việc: Chuyên gia khuyên rằng, thời gian vàng để nhảy việc là 03 năm
Nhiều người tin rằng lịch sử chuyển đổi công việc nhiều lần gây ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng, có thể sẽ bị đánh giá là người "thiếu trách nhiệm" và "không trung thành". Thậm chí, một số HR khó tính có thể sẽ cho rằng bạn thiếu kỹ năng để hoàn thành tốt công việc hoặc xây dựng quan hệ hòa thuận với cấp trên, đồng nghiệp tại công ty cũ. Chính vì lẽ đó, nhiều người lao động luôn băn khoăn không biết có nên nhảy việc hay không.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, khi mà kinh tế Việt Nam hiện nay đòi hỏi mọi người phải chuyển mình, trau dồi liên tục để có thể thích nghi cùng phát triển, đôi khi, nhảy việc lại là cơ hội để bạn tìm kiếm những môi trường và cơ hội mới, đẩy nhanh tốc độ hội nhập và phát triển của bản thân.
Tuổi trẻ có nên nhảy việc hay không? Đâu là thời điểm nên nhảy việc?
Tác giả cuốn “Brazen Careerist: The New Rules for Success”, nhà doanh nhân Penelope Trunk đã đưa ra gợi ý dành cho mọi người rằng: “Thời gian ‘vàng’ để chuyển đổi công việc là ít nhất sau 03 năm làm việc ở lứa tuổi lý tưởng thường dưới 34.”
Nguyên nhân đưa ra mốc thời gian nhảy việc hợp lý nằm trong khoảng 03 năm là do: Đây là thời điểm mà cơ hội học hỏi của đại đa số mọi người đang bị bão hòa dần trong một môi trường đã quá quen thuộc. Do đó, chuyển việc là một bước đi tốt cho kế hoạch sự nghiệp khi cần thiết.
Nếu so sánh công ty như một ngôi trường và bạn là một học sinh ở đó, chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ mãi ngồi mãi trong ngôi trường này đến 5-6 năm? Điều này đồng nghĩa với việc bạn không có không gian để học hỏi và tiếp nhận các kiến thức mới mà chỉ dậm chân tại những bài học cũ.
Vì thế, theo một góc nhìn hiện đại phù hợp với kinh tế thị trường hiện nay, hãy dứt bỏ băn khoăn không biết có nên nhảy việc hay không để mạo hiểm tìm kiếm một môi trường mới, đem lại cho chúng ta những lợi ích cần thiết có thể kể đến như sau:
Những lợi ích của nhảy việc đem tới cho bạn.
1. Nhảy việc để có được mức lương như ý hơn
Theo thời gian, mối liên kết giữa bạn và thế giới rộng lớn ngoài kia sẽ dần mỏng manh hơn khi sống trong một môi trường quá lâu. Việc này tương tự với việc tầm nhìn của bạn cũng đang dần hạn chế hơn vì bị bó buộc trong môi trường làm việc quen thuộc.
Nếu không có sự thăng tiến và thay đổi về mặt kỹ thuật chuyên môn hay trách nhiệm thì rõ ràng, việc lặp đi lặp lại một công việc đã trở nên quá nhàm chán, không còn tạo cho bạn nhiều thử thách, trải nghiệm mới hay những mối quan hệ mới.
Như vậy, không khó để lý giải tại sao năng lực của bạn vô tình bị đóng khung trong bốn bức tường của công ty. Kết quả công việc không tạo ấn tượng vì thiếu tính đột phá, sáng tạo trong công việc, đương nhiên dẫn đến mức lương thưởng của bạn cũng bị ‘đóng băng’ theo.
Ngược lại, khi bạn dám “quăng” mình vào một môi trường mới với những cơ hội mới, đồng nghĩa bạn đang cho bản thân cơ hội để nhiều lần vượt khỏi vùng an toàn. Những kinh nghiệm sống còn dày đặc, kỹ năng chinh chiến trên các mặt trận khác nhau thường có giá hơn trong mắt các công ty khi họ đánh giá được sức đề kháng, mà còn sự đa năng, ứng biến giúp bản thân giải quyết những khó khăn bất ngờ của bạn.
Với những thế mạnh đó, bạn đương nhiên có thể tự tin thương lượng và thuyết phục nhà tuyển dụng đồng ý đưa ra mức lương cao phù hợp hơn với năng lực của mình.
Đừng để bản thân bị đóng băng cả về lương thưởng và năng lực.
2. Môi trường làm việc mới cho bạn cơ hội mở rộng quan hệ và rèn luyện kỹ năng mềm
Bạn có thể rèn luyện kỹ năng nắm bắt tính cách và xu hướng làm việc của nhiều kiểu người khác nhau khi thay đổi môi trường mới. Bạn phải luôn linh hoạt trong cách ứng xử để thích nghi và hòa nhập với tập thể mới.
Thông qua quá trình này, bạn sẽ luôn được thử thách và rèn luyện để nâng cao những kỹ năng mềm của mình như giao tiếp và đàm phán, và đồng thời có cơ hội để thử nghiệm những thủ thuật giao tiếp mới. Khi giao tiếp với mọi người xung quanh, bạn được trang bị thêm thế mạnh nhạy bén và khéo léo. Từ đó, để hoàn thành công việc hiệu quả nhất, bạn biết cách điều chỉnh, quản lý yếu tố con người thích hợp hơn.
Như vậy, không để bản thân mình dừng chân ở một nơi quá lâu cũng giúp bạn liên tục mở rộng mạng lưới xã hội của mình một cách bắt buộc. Theo đó, quan hệ thường đi kèm với cơ hội. Những đối tác, đồng nghiệp, lãnh đạo mới mà bạn xây dựng quan hệ bây giờ đều có thể trở thànhnhững người đồng hành hỗ trợ bạn trong con đường sự nghiệp trong tương lai.
Nhảy việc là cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm mà bạn đang dần thui chột.
3. Nhảy việc giúp bạn chủ động tìm kiếm cơ hội thăng tiến
Nếu ngồi mãi tại một vị trí, không có vị trí để tiếp tục thăng chức chính thức dù đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và năng lực được cấp trên thừa nhận, thì đó chính là lúc bạn có thể nghiêm túc suy nghĩ tới việc có nên nhảy việc hay không.
Không có vị trí thăng tiến ở đây có thể là do công ty hiện tại không có nhu cầu đề xuất thêm vị trí quản lý cho phòng ban của bạn, trong khi vị trí quản lý cấp trên vẫn đang đảm nhiệm tốt và chưa sẵn sàng thay đổi, như vậy, ở lại đồng nghĩa với việc đi vào ngõ cụt.
Đây là thời điểm mà bạn nên tìm kiếm một vị trí cao hơn tại những môi trường khác, yêu cầu năng lực và kinh nghiệm như bạn đang sở hữu bây giờ.
4. Môi trường mới giúp bạn "trẻ lâu"
Đối mặt với những vấn đề lặp đi lặp lại, khi bạn đã quá quen thuộc với một loại công việc hoặc môi trường thì đương nhiên, thay vào sự hào hứng trong công việc thì bạn sẽ cảm thấy bế tắc, ì trệ và chán chường. Những lối mòn không có đường ra thường dẫn tới mạch cảm xúc tiêu cực, gây áp lực cho luồng suy nghĩ, khiến bạn hạn chế trải nghiệm và trở nên chậm chạp hơn.
Vì vậy, một môi trường mới kích thích sự tò mò, ham học hỏi sẽ giúp tinh thần của bạn được làm mới, trẻ lâu và chậm lão hóa hơn. Cho nên, có nên nhảy việc để tìm kiếm sự mới mẻ hay không, bạn hãy tự đưa ra câu trả lời cho riêng mình.
Xem thêm: Tuổi trẻ đừng trói buộc bản thân vào công việc ổn định: Học cách trải nghiệm và ngụp lặn
Phương Thúy