Ước tính KQKD quý II: Mảng ngân hàng phân hoá, BĐS đã thấy tín hiệu hồi phục

Lạc Lạc 16:49 | 12/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Qua ước tính KQKD sơ bộ quý II và 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy những mảng màu sáng - tối đan xen trong bức tranh các nhóm ngành. Đã thấy tín hiệu hồi phục đến từ một số doanh nghiệp nhóm bất động sản; trong khi các nhóm ngân hàng hay nông-lâm-thủy sản dự kiến có sự phân hóa.

Theo cập nhật mới nhất của FiinTrade, tính đến ngày 11/7, đã có ước tính kết quả kinh doanh quý II cho 62 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết, bao gồm cả kết quả kinh doanh (KQKD) phía doanh nghiệp công bố và do công ty chứng khoán ước tính (đại diện 38,3% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM) với lợi nhuận sau thuế ước giảm 18,5% so với cùng kỳ.

Nhóm ngân hàng với 2 mảng màu đan xen

Trong ước tính lợi nhuận ngân hàng chứng khoán SSI Research công bố mới đây, 10/27 nhà băng đang niêm yết (chiếm 76% vốn hóa ngành) ghi nhận có xu hướng phân hoá.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của 10 ngân hàng ước tăng 5,6% so với cùng kỳ trong quý II. Xu hướng tăng trưởng được kỳ vọng ở các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank) với động lực tăng trưởng vẫn là tín dụng và chất lượng tài sản được kiểm soát. 

Ngược lại, lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (bao gồm VIB, Techcombank, ACB, TPBank) đi ngang hay thậm chí giảm mạnh chủ yếu do tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu và tín dụng tăng rất thấp trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm.

HDBank, MB và Sacombank là 3 ngân hàng thương mại cổ phần ghi nhận tín dụng tăng trưởng tích cực trong quý II. 

 Nguồn: Diệp Bình tổng hợp theo dự báo của SSI Research.

Nhóm doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản phân hoá

CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) cũng vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2023. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 168,6 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tài chính 32,5 tỷ đồng, tăng 29% và 203,7% so với quý II/2022.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế ghi nhận 100 tỷ đồng, tăng 824% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gần 30 tỷ đồng là lợi nhuận khác là 70 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là hơn 83 tỷ đồng, tăng 844,8% tương đương 74,2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Giải trình về kết quả kinh doanh, Cao su Phước Hòa cho biết, lợi nhuận khác tăng 69 tỷ đồng chủ yếu do Công ty ghi nhận doanh thu 74,8 tỷ đồng đến từ thanh lý cây cao su. Bên cạnh đó, ghi nhận thêm 15,8 tỷ đồng tiền cổ tức đợt 2 từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 370,9 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế là 315,1 tỷ đồng, đạt lần lượt 68,5% và 101,3% so với lũy kế 6 tháng đầu năm 2022.

Một doanh nghiệp cao su khác là CTCP Cao su Tân Biên (mã: RTB) cũng vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II. Theo đó, doanh thu thuần quý II của công ty đạt gần 165 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Cao su Tân Biên báo lãi hơn 45 tỷ đồng, thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần giảm 26% xuống còn 258 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm về mức 1,5 tỷ đồng do giá vốn bán hàng tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm từ 6% về mức 0,6%. 

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng giảm từ 4,9 tỷ xuống còn 1,9 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 21% lên mức 10,2 tỷ đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Cao su Tân Biên lỗ hơn 8,9 tỷ đồng sau nửa đầu năm.

Tuy nhiên, nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác tăng đột biến đạt 137,6 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái nên lợi nhuận sau thuế của Cao su Tân Biên đạt gần 102 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Từ quý I/2022 đến nay, Cao su Tân Biên liên tục đẩy mạnh các hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và các khoản khác. 

 Lợi nhuận doanh nghiệp cao su trong quý II/2023 đến phần lớn từ thanh lý tài sản, bán cây cao su. Ảnh: VnEconomy

Với ngành gỗ, tại nghị quyết ĐHĐQT kỳ họp ngày 29/6, CTCP Chế biến Gỗ Thuận An (mã: GTA) đã thông qua kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và kế hoạch kinh doanh quý III. Cụ thể, doanh nghiệp ước tính kết quả sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu đạt gần 120 tỷ đồng (giảm khoảng 34,4% so với cùng kỳ năm trước). Lợi nhuận trước thuế khoảng hơn 5,3 tỷ đồng, giảm 10%. So với kế hoạch kinh doanh đã được thông qua, kết thúc quý II, GTA đã thực hiện khoảng hơn 36% kế hoạch doanh thu và hơn 50% mục tiêu lợi nhuận năm.

Giới phân tích nhận định triển vọng ngành gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 vẫn kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Tuy nhiên, các công ty ngành gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024 nhờ lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam) được cải thiện.

Trong lĩnh vực thủy sản, theo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023 vừa công bố, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC) ghi nhận doanh thu tháng 6 lớn nhất kể từ đầu năm với 18,6 triệu USD, kéo doanh thu quý II ước tính đạt 43,5 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp, kết quả tăng mạnh trong tháng 6 đã kéo luỹ kế nửa năm lên mức 80% so với nửa đầu năm 2022. Đây là điểm sáng của tháng, và cũng là khởi đầu cho hồi phục những tháng cuối năm. Luỹ kế 6 tháng, Sao Ta ước tính thu về 86,7 triệu USD, tương đương gần 2.030 tỷ đồng, bằng 80% so cùng kỳ.

Doanh nghiệp bất động sản ghi nhận tín hiệu hồi phục 

Với nhóm bất động sản, tín hiệu khởi sắc đã có từ CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC).

Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 30/6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT PDR cho biết, lợi nhuận của công ty đạt hơn 360 tỷ đồng trong quý II. Như vậy sau quý IV/2022 lỗ nặng và quý I/2023 lãi vỏn vẹn 22 tỷ đồng, lợi nhuận của công ty đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, PDR mang về lợi nhuận hơn 380 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời hoàn thành 56% mục tiêu lợi nhuận năm.

Với KBC, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức ngày 23/6, ông Phạm Phúc Hiếu - Phó Tổng giám đốc cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ước tính doanh thu đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong quý II, công ty mang về doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 944 tỷ đồng.

Năm 2023, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4.000 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp bất động sản này đã thực hiện được một nửa kế hoạch lợi nhuận. 

Ngoài ra, Tổng Công ty Viglacera (mã: VGC) cho biết doanh thu thuần hợp nhất toàn Tổng Công ty ước đạt gần 7.000 tỷ đồng, riêng Công ty mẹ đạt gần 3.000 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 913 tỷ đồng, tương đương 75% lợi nhuận mục tiêu cả năm 2023. Trong đó, đóng góp chính vẫn đến từ lĩnh vực bất động sản (đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp).

Nhóm "họ" dầu khí giảm lãi

Trong cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã: OIL) ước tính doanh thu hợp nhất đạt 43.478 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 470 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông PVOIL đã thông qua kế hoạch năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 50.000 tỷ đồng; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 600 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Công ty đã đạt xấp xỉ 87% kế hoạch doanh thu và 78,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Một đơn vị khác trong họ dầu khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, mã: GAS) ước thực hiện 45.117 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm. Lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 7.542 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước thực hiện 6.035 tỷ đồng. Tính riêng trong quý II, PV GAS ước đạt 2.618 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp trong vòng 6 quý trở lại đây.

Ngoài ra, trong lĩnh vực phân bón, CTCP Phân Bón Bình Điền (mã: BFC) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II với tổng doanh thu 2.372 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế giảm 10,5% còn 88,2 tỷ đồng. Như vậy sau một quý báo lỗ doanh nghiệp đã có lãi trở lại. Lũy kế 6 tháng, công ty phân bón này ghi nhận tổng doanh thu 3.739 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 48,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 16,5% và 76,2% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy doanh nghiệp đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 22,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.  

Ở nhóm tiêu dùng, CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) là doanh nghiệp đầu tiên đưa ra ước tính về kết quả kinh doanh quý II. Cụ thể, đơn vị này ước tính doanh thu quý II tăng 1,8% so với cùng kỳ, lên 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn 5,6%, đạt 2.220 tỷ đồng, nhờ biên cải thiện khi giá sữa đầu vào giảm. So với quý I, lợi nhuận sau thuế của VNM tăng 16,5% và hồi phục đáng kể so với mức đáy thiết lập trong quý IV/2022 trước đó. Luỹ kế 6 tháng, VNM ước đạt hơn 29.154 tỷ đồng doanh thu, 4.126 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành gần một nửa kế hoạch năm.