Ưu đãi thuế đặc khu làm trầm trọng việc chuyển giá trong doanh nghiệp FDI
Báo cáo Khuyến nghị của Oxfam về chính sách ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được ThS. Nguyễn Thu Hương trình bày tại buổi thảo luận chỉ rõ: Bất bình đẳng trong nghĩa vụ đóng thuế đang là một trong những nguyên nhân khiến vấn đề bất bình đẳng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Người dân và những doanh nghiệp nhỏ đang phải cõng gánh nặng thuế thay cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Tại Việt Nam, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 45,9% lợi nhuận toàn bộ các loại hình doanh nghiệp, bộ phận này lại đóng số thuế thấp nhất trong các thành phần kinh tế (theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố tháng 2/2017).
Báo cáo của Oxfam về Đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam 1 (2016) cũng chỉ ra rằng chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế của Việt Nam cho các doanh nghiệp và dự án lớn chưa mang lại hiệu quả, tác động kinh tế như mong đợi, trong khi đó lại tạo ra sự thất thu về ngân sách, cũng như các tác động tiêu cực về môi trường và xã hội. Các chính sách ưu đãi thuế có thể làm trầm trọng hóa vấn đề thất thu thuế từ hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp
Các nước đang phát triển (bao gồm Việt Nam) đang bị thất thu 100 tỷ đô la hàng năm do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam vốn đã rất nỗ lực trong những năm qua để chống hoạt động né thuế thông qua chuyển giá của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Oxfam lo ngại rằng chính sách ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật Khu hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ tạo ra một vùng trũng về thuế ngay trong chính Việt Nam, không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đa quốc gia chuyển giá, mà chính các doanh nghiệp Việt Nam có thể né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp nằm ngoài đặc khu kinh tế sang các doanh nghiệp ở trong đặc khu. Chi phí quản lý thuế và hải quan cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là ở các đặc khu có địa giới hành chính liền kề với với các khu vực không được áp dụng ưu đãi.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, bất bình đẳng tại Việt Nam là dành cho các doanh nghiệp FDI quá nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa mất đi môi trường bình đẳng, quy mô chỉ còn một nửa cách đây 10 năm.
“Tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI của Việt Nam rất trầm trọng. 70% doanh nghiệp FDI hiện nay báo cáo lỗ hàng chục năm nhưng vẫn xin tăng vốn và mở rộng đầu tư. Như vậy đồng nghĩa với việc chúng ta đã ưu đãi nhiều cho doanh nghiệp nhưng chúng ta không kiểm soát được sự ưu đãi này, chứ không phải thiếu ưu đãi để cần thêm”, bà Lan chia sẻ.
Đồng tình với các quan điểm trên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong 30 năm thu hút đầu tư, Việt Nam chưa có một đánh giá đầy đủ của cơ quan có trách nhiệm về việc ưu đãi thuế.
Năm 2013, Tổng cục Thuế kiểm tra hơn 800 doanh nghiệp FDI thì có tới 88% doanh nghiệp chuyển giá, thu hồi khoảng 20 tỷ USD. Tỷ lệ trốn thuế thực chất còn cao hơn nhiều. Thậm chí, hiện nay, chúng ta còn ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp FDI.
Nếu Việt Nam chưa đánh giá đầy đủ chính xác vấn đề được, mất khi ưu đãi quá nhiều tại đặc khu kinh tế thì đối tác quốc tế sẽ cư xử với Việt Nam như thế nào trên mối quan hệ bình đẳng hội nhập.
“Trước đó, EU đã xếp chúng ta vào “danh sách xám” về thuế (12/17 quốc gia thuộc danh sách). Nếu tiếp tục tạo ra vùng trũng về chính sách thuế thì vấn đề chuyển giá sẽ trầm trọng thêm, trở thành căn bệnh nan y không chỉ về thuế, chính sách mà của cả nền kinh tế”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Phân tích từ góc độ công bằng thuế, ông Henrique Alencar bày tỏ sự quan ngại các chính sách ưu đãi thuế sẽ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các công ty trong và ngoài đặc khu kinh tế của Việt Nam. Việt Nam không nên bỏ qua hệ quả gián tiếp từ việc ưu đãi thuế. Đó là việc giảm nguồn thu, thâm hụt ngân sách, từ đó, chính phủ sẽ phải cắt giảm đầu tư công đối với y tế, các công trình phúc lợi, tăng thuế ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ người dân, không phải từ các công ty lớn.
Theo ông Alencar, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam kéo dài từ 20-30 năm thì thất thoát sẽ vượt xa rất nhiều sự tính toán của nhà hoạch định hôm nay. Đó là chưa kể tới viễn cảnh các công ty đóng thuế bình thường đang có động lực để chuyển đến đặc khu, như vậy mất mát từ việc giảm thuế tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi.
“Nếu Việt Nam ưu đãi bằng lợi nhuận, thủ thuật chuyển giá sẽ tăng và Việt Nam sẽ không thu hút được đầu tư như mong muốn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nên sử dụng ưu đãi dựa trên vốn đầu tư, như vậy chính phủ sẽ nắm đằng chuôi”, ông Alencar khuyến nghị.
Các chuyên gia đề xuất Việt Nam nên xem xét từ từ vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tại đặc khu (theo Điều 40 đến Điều 43 của Dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt).
Quốc hội, Chính phủ cần cân nhắc làm sao để đặc khu phải trở thành thành động lực vùng kinh tế lớn trong thời gian dài chứ không phải trong 3-5 năm.
Cần rà soát lại toàn bộ ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài để thấy cần có điểm dừng, tạo công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Có vậy mới tạo được đột phá từ phát triển kinh tế đặc khu.