Vắc xin chống covid-19 của Mỹ dạng uống có gì đặc biệt?
Theo thông tin trên tờ Straits Times, Tiến sĩ Sean Tucker, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khoa học của Vaxart (có trụ sở tại San Francisco, Mỹ) vừa công bố thông tin về việc công ty nơi ông làm việc đang thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 dạng viên uống. Tiến sĩ Sean Tucker kỳ vọng, vaccine được điều chế dưới dạng viên uống sẽ giải quyết được mọi thách thức về việc lưu trữ và vận chuyển khó khăn hiện nay.
Ông Tucker hy vọng, vaccine dạng uống mới sẽ tạo nên bước đột phá trong việc thực hiện chiến dịch chủng ngừa ở các khu vực thời tiết nóng ẩm, thiếu nguồn lực cơ sở hạ tầng.
Bởi trên thực tế, các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện đều phải bảo quản trong nhiệt độ thấp hoặc rất thấp. Trong đó, vaccine của AstraZeneca cần phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, hay vaccine của Pfizer là -70 độ C. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các nước thu nhập thấp và trung bình khi thiếu cơ sở hạ tầng về bảo quản vaccine. Hiện nay, sản phẩm của Vaxart đang thử nghiệm giai đoạn 2.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên một ý tưởng hay cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 được triển khai. Trước đó, Israel được cho là quốc gia đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid-19 dạng uống. Cụ thể, Tập đoàn Oravax Medical (Israel) đã có kế hoạch tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại vaccine mới này tại Trung tâm Y tế Tel Aviv Sourasky của Israel.
Hồi tháng 3 năm nay, tập đoàn dược phẩm Oramed của Israel đã liên doanh với Premas Biotech của Ấn Độ để phát triển loại vaccine đường uống mới và Oravax Medical được thành lập là kết quả của sự hợp tác này.
Vaccine do Oravax Medical sản xuất theo tiêu chuẩn GMP nhắm mục tiêu vào ba protein cấu trúc của virus SARS-CoV-2 chứ không phải chỉ một protein đột biến duy nhất được nhắm mục tiêu bởi các vaccine dạng tiêm hiện nay như của Moderna và Pfizer/BioNTech.
Hiện vaccine đường uống này đang trải qua giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng, đánh giá hiệu quả chống lại biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lưu hành khắp thế giới, bao gồm cả biến thể Delta. Trước đó, kết quả thử nghiệm thí điểm trên động vật cho thấy vaccine dạng uống mới có hiệu quả kích thích sự phát triển của các kháng thể Immunoglobulin G (IgG) và Immunoglobulin A (IgA), cần thiết để bảo vệ hệ miễn dịch lâu dài.
Hồi tháng 2/2020, Đại học Thiên Tân của Trung Quốc cũng tuyên bố điều chế thành công vaccine dạng uống. Vaccine được biết đến với dạng uống sử dụng saccharomyces cerevisiae, một loại nấm men bia làm "chất mang" và protein gai của virus corona để tạo ra kháng thể chống Covid-19.
Vaccine uống được sản xuất dưới dạng viên nang, viên sữa và dạng bột. Nhóm nghiên cứu cũng phát triển các công nghệ cốt lõi trong việc xây dựng các tế bào tái tổ hợp, sàng lọc, biểu hiện protein và tạo động lực lên men. Đây đều là các bước rất quan trọng trong việc phát triển vaccine.
Giáo sư Huang Jinhai, người đứng đầu dự án vaccine đã tự uống 4 liều mà không gặp bất cứ tác dụng phụ nào. Trường đại học đang tìm kiếm các đối tác tiềm năng để tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và sản xuất rộng rãi. Vaccine dạng uống có khả năng kích thích miễn dịch niêm mạc tại màng nhầy để ngăn ngừa nhiễm bệnh. Đây cũng là liệu pháp tiềm năng chống lại virus corona.
Phong Lâm - VietQ