Vắc xin COVID-19 Vero Cell của Trung Quốc vừa được Bộ Y tế phê duyệt hiệu quả đến đâu?
Quyết định phê duyệt có điều kiện đối với vắc xin COVID-19 Vero Cell, Inactivated của Trung Quốc được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký ngày 3/6 căn cứ trên đề nghị của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Sản phẩm này có tên COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vắc xin, Vero Cell, Inactivated). Đơn vị sản xuất là Beijing Institute of Biological Products Co.Ltd. - Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc tập đoàn dược Sinopharm của Trung Quốc
Vắc xin này được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5ml.
Vero Cell được Việt Nam phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế tính đến ngày 29/5, và cam kết về tính chính xác của các tài liệu đã cung cấp.
Vắc xin Vero Cell, Inactivated do Trung Quốc sản xuất
Theo Bộ Y tế, việc phê duyệt vắc xin phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có kèm theo 9 điều kiện.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vắc xin bảo đảm các điều kiện sản xuất vắc xin Vero Cell, Inactivated nhập khẩu vào Việt Nam và bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng.
Viện phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) và đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vắc xin này trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phải phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế xây dựng kế hoạch kiểm định; cung cấp mẫu thử, nguyên vật liệu, hóa chất thử nghiệm và các vấn đề liên quan khác cho việc kiểm định các lô vắc xin Vero Cell, Inactivated trước khi đưa ra sử dụng.
Cuối cùng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin Vero Cell cho các cơ sơ tiêm chủng, đồng thời triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vắc xin tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vắc xin phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đây là vắc xin COVID-19 thứ ba được Việt Nam phê duyệt khẩn cấp, sau AstraZeneca và Sputnik V.
Vắc xin COVID-19 của Sinopharm được Trung Quốc cấp phép vào ngày 24/12/2020, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp trong tháng 5 vừa qua.
Hôm 27/5, Sinopharm công bố kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn ba trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, cho biết vắc xin này hiệu quả 78,1% trong ngăn ngừa các triệu chứng COVID-19 và với 73,5% các ca không triệu chứng.
Tính đến đầu tháng 5/2021, ít nhất 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sử dụng vắc xin COVID-19 của Sinopharm với tổng số 200 triệu liều, đứng thứ tư về lượng vắc xin đã được tiêm trên thế giới sau vắc xin của các hãng AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna.
Xem thêm: Khi nào 31 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer về đến Việt Nam
Hà Ly