Vắc-xin dịch vụ: Nên hay không?

10:17 | 07/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với vắc-xin dịch vụ, hiệu quả cho xã hội có thể được cải thiện nhưng đánh đổi sẽ là bất công và bất bình đẳng.

Theo tôi được biết thì cách thức ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua chủ yếu dựa vào hệ thống y tế của nhà nước. Các cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa tham gia đáng kể.

Trong bối cảnh hiện tại, việc huy động sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân vào việc chống dịch là hết sức cần thiết và quan trọng. Tiêm vắc-xin dịch vụ - các cơ sở y tế tư nhân tổ chức tiêm và thu tiền của người tiêm với giá cao là một giải pháp đang được đề xuất cho vấn đề này.

Các lập luận thoạt nghe rất có lý. Cơ chế thị trường được áp dụng, thuận mua, vừa bán. Ai có nhu cầu tiêm sớm, nhanh và tiện nghi thì ra các cơ sở y tế tư nhân. Trái lại, ai không có tiền trả và không cần kíp thì chờ các chương trình tiêm miễn phí của nhà nước.

Vắc-xin dịch vụ: Nên hay không? - ảnh 1

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Khi đó, các cơ sở y tế tư nhân sẽ chia lửa với các cơ sở y tế của nhà nước (đang phải tập trung cứu người bị bệnh nặng) nên việc tiêm vắc-xin sẽ nhanh chóng cho cả xã hội.

Lập luận nêu trên có thể chỉ ra bằng chứng rằng, cách thức này đã được áp dụng ở Việt Nam rất lâu rồi. Y tế cũng có hai hệ thống, ít tiền thì vào các cơ sở y tế công cộng và xếp hàng, khá giả hơn thì vào các cơ sở y tế tư. Hệ thống y tế tư đã rất phát triển chứng tỏ cơ chế thị trường đã vận hành tốt.

Một bằng chứng thuyết phục và sát với thực tế hơn là việc xét nghiệm Covid-19. Giá xét nghiệm PRC tại các cơ sở y tế nhà nước ở TP.HCM chưa đến 1 triệu đồng, trong khi xét nghiệm tương tự ở các cơ sở y tế tư nhân có nơi hơn 3 triệu đồng. Các cơ sở y tế tư nhân đã cùng chia lửa rất tốt.

Nghe có vẻ rất có lý với những lập luận nêu trên. Tuy nhiên, ở đây có một sự khác biệt cơ bản. Test Covid-19 về cơ bản là sản phẩm đồng nhất, chỗ nào cũng giống chỗ nào và cho kết quả như nhau, khác nhau chỉ là thời gian hay tốc độ.

Trái lại, vắc-xin có những loại khác nhau và là vấn đề hết sức nhạy cảm, đang gây chia rẽ trong xã hội. Nếu cho tiêm vắc-xin dịch vụ thì có một khả năng rất cao (nếu không nói là chắc chắn) thì những người tiêm dịch vụ sẽ được các loại vắc-xin tốt hay ưa thích hơn, trong khi các loại vắc-xin kém được ưa chuộng hơn sẽ bị dồn cho những người nghèo hơn trong xã hội. Thị trường cực kỳ thông minh với cơ chế sàng lọc tiền nào của nấy. Ít ai bỏ tiền ra tiêm vắc-xin dịch vụ lại đi chọn loại vắc-xin kém được ưa thích.

Như vậy, với vắc-xin dịch vụ, hiệu quả cho xã hội có thể được cải thiện, nhưng đánh đổi sẽ là bất công và bất bình đẳng. Người nghèo hơn lúc đó có thể ca thán rằng: Tôi không có tiền, tôi phải dùng hàng như vậy, trong khi cái tốt được dồn cho người khá giả hơn. Như vậy công bằng xã hội là cái gì?

Những người làm chính sách nên nhớ rằng, xã hội đã rất bức xúc qua vụ được tiêm vắc-xin xịn nhờ ông ngoại rồi. Nếu cho phép cơ chế được tiêm vắc-xin xịn nhờ có tiền thì sự bức xúc ắt hẳn sẽ lớn hơn rất nhiều.

Trong trường hợp này, không cần tự mày mò ra giải pháp mà chỉ cần học hỏi các nước đi trước, những nơi được xem là cái nôi của kinh tế thị trường như Mỹ chẳng hạn. Họ dựa trên nền tảng thị trường, nhưng theo cách rất khác.

Ở Mỹ, tất cả những nơi có khả năng tiêm vắc-xin đều được sử dụng để tiêm cho toàn dân. Vắc-xin được phân phối miễn phí cho các cơ sở y tế và các cơ sở này yêu cầu nhà nước trả cho họ phí tiêm dựa trên số mũi tiêm được. Người tiêm vắc-xin không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ có thông báo một cách rõ ràng nếu một ai đó yêu cầu trả tiền cho việc tiêm vắc-xin thì đó là lừa đảo. Nhà nước trả tiền cho việc tiêm vắc-xin để cả nước (Mỹ) đạt được miễn dịch cộng đồng.

Trở lại Việt Nam, giải pháp cho việc huy động các cơ sở y tế tư nhân vào tiêm vắc-xin là áp dụng phí tiêm vắc-xin. Nhà nước (nói chính xác hơn là người nộp thuế) là người trả khoản phí này chứ không phải là người đi tiêm.

Tóm lại, với sự hiểu biết của mình, tôi cho rằng trong trường hợp này, Việt Nam dứt khoát không nên áp dụng vắc-xin dịch vụ như mô tả ở trên. 

Hiệu quả có thể được cải thiện chút đỉnh, nhưng hố sâu của bất công và bất bình đẳng sẽ bị khoét thêm rất lớn dẫn đến tiềm ẩn những bất ổn xã hội. 

Cơ chế thị trường nói chung là rất mầu nhiệm, tuy nhiên, dùng không đúng cách thì lợi bất cập hại.

Tôi cho rằng không nên áp dụng vắc-xin dịch vụ như nêu ở trên. Nếu có một cách nào đó tốt hơn (tôi chưa biết hoặc hiểu sai) mà nó không gây ra vấn đề bất công và bất bình đẳng thì hoàn toàn có thể xem xét. Công việc quan trọng của chúng ta lúc này là cùng tìm những cách thức tốt để ứng phó với dịch bệnh mà thôi.

Bên cạnh đó, tôi vừa được biết là trong thời gian qua, các cơ sở y tế tư nhân được huy động tham gia vào việc chống dịch mà không có cơ chế tài chính bù đắp cho những chi phí bỏ ra. Họ đã phải làm miễn phí và cũng phải căng mình chống dịch.

Như vậy là không ổn, không bền vững. Các cơ sở y tế công đang làm nhiệm vụ của mình và được ngân sách chi trả. Do vậy, nếu các cơ sở y tế tư nhân được huy động cho công việc chung thì họ cũng phải được bù đắp các chi phí (ít nhất là một phần).

Trong bối cảnh như vậy, nhà nước cần có ngay cơ chế để huy động sự tham gia của các cơ sở y tế tư nhân công bằng và bền vững hơn. Cần phải có ngay ngân sách cho việc này.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Theo Theleade