Vaccine ngừa COVID-19 và trách nhiệm sẻ chia

06:22 | 24/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức thông báo đăng ký vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mở đường để tiêm chủng hàng loạt cho người dân nhằm ngăn ngừa dịch bệnh.

Vaccine ngừa COVID-19 và trách nhiệm sẻ chia - ảnh 1

Nghiên cứu viên kiểm tra mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ở Krasnodar, Nga. Ảnh: TASS/TTXVN

Trong bối cảnh tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 đang có xu thế nhanh dần, khi chỉ sau 4 ngày số ca mắc COVID-19 đã tăng từ 19 triệu ca lên 20 triệu ca, thì đây có thể coi như một dấu hiệu hứa hẹn.

Cuộc chạy đua tìm kiếm loại vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vốn nóng lên từ những ngày đầu dịch bùng phát, tới nay có thể nói đã đạt được những bước tiến nhất định. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện hơn 140 loại vaccine đang được phát triển và ít nhất 13 loại đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng trên người.

Ngoài loại vaccine do Nga phát triển, tính đến đầu tháng 8, trên thế giới có tổng cộng 6 loại vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba, là giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá liệu vaccine có giúp bảo vệ nhiều người khỏi virus trong một thời gian dài hay không. Các giai đoạn trước chỉ tập trung vào độ an toàn, khả năng tạo miễn dịch và phản ứng miễn dịch ở một nhóm người.

Trong số 6 vaccine trên, có 3 loại của Trung Quốc, một loại của Đại học Oxford (Anh) và công ty dược phẩm đa quốc gia Anh - Thụy Điển AstraZeneca, một loại khác của công ty Moderna (Mỹ) và Viện Nghiên cứu dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), loại cuối cùng là sự phối hợp của 3 bên gồm công ty của Đức BioNTech, Fosun Pharma của Trung Quốc và Pfizer của Mỹ. Kết quả thử nghiệm sơ bộ công bố trên các tạp chí khoa học được đánh giá là đáng khích lệ, tạo được phản ứng miễn dịch mạnh, sản sinh được kháng thể và bạch huyết bào T, được người bệnh tiếp nhận tốt, không có phản ứng phụ nghiêm trọng.

Trung Quốc đang đi đầu trong cuộc đua phát triển loại vaccine này. Mặc dù được coi là "sinh sau đẻ muộn" trong ngành công nghiệp vaccine toàn cầu, nhưng Trung Quốc - nơi bùng phát dịch COVID-19 - đã huy động tổng lực của nhà nước, quân đội và các lĩnh vực tư nhân trong cuộc đua tìm thứ vũ khí khắc chế virus SARS-CoV-2, chủ yếu tập trung vào công nghệ vaccine bất hoạt.

Nhiều nước khác, trong đó có Mỹ, đang hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực tư nhân để giành chiến thắng trong cuộc đua tìm kiếm vaccine, đặc biệt thúc đẩy việc điều chế một loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty Moderna của nước này phát triển.

Châu Âu cũng tiên phong gây quỹ 8 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu vaccine, trong đó Liên minh châu Âu (EU) cam kết đóng góp 1 tỷ euro (1,09 tỷ USD), Đức cam kết 525 triệu euro, Pháp 500 triệu euro, Na Uy 1 tỷ USD… Khoảng 40 nước trên thế giới cùng với Liên hợp quốc và các tổ chức từ thiện, trong đó có Quỹ Bill&Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú Bill Gates và các viện nghiên cứu tham gia gây quỹ này. Bốn nước châu Âu là Pháp, Đức, Italy và Hà Lan đã thành lập một liên minh, hợp tác với các công ty then chốt trong ngành dược phẩm để thúc đẩy nỗ lực sản xuất vaccine trên đất châu Âu.

Trong khi đó, công tác nghiên cứu bào chế và phát triển vaccine ở một loạt quốc gia như Australia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan cũng đang được đẩy mạnh với mục tiêu có thể sản xuất vaccine trong đầu năm tới.

Tại Việt Nam, tiến độ bào chế vaccine đang vượt dự kiến. Giữa tháng 6, vaccine dự tuyển, được các nhà khoa học của công ty Vabiotech triển khai với sự tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF, đã được xác nhận có tính sinh miễn dịch khá cao, vượt tiến độ 2 tháng. Kết quả này có ý nghĩa “sống còn” bở đây là cơ sở để phát triển một vaccine hoàn chỉnh. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng trên người.

Công nghệ được sử dụng trong sản xuất vaccine của Việt Nam là vector virus, thay vì các công nghệ vaccine bất hoạt hay giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phụ hợp với các vaccine đại dịch. Dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời một vaccine mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vaccine cho Việt Nam, nhất là trong đại dịch.

WHO đánh giá giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến đầy khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vaccine phòng COVID-19, khi một số mẫu vaccine hiện trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba và không có mẫu nào thất bại, tức là chúng có khả năng đảm bảo an toàn và khả năng miễn dịch.

Theo các chuyên gia, tiến độ nghiên cứu điều chế và thử nghiệm các loại vaccine đến nay thực sự khả quan, vì càng có nhiều ứng cử viên vaccine và nhất là càng nhiều loại vaccine thì càng có nhiều cơ hội đạt được kết quả, khi sử dụng nhiều loại vaccine cùng lúc thì khả năng phòng virus càng cao. Những kết quả này sẽ là tiền đề tích cực hướng tới vaccine phòng COVID-19 được sản xuất hàng loạt và tiêm chủng đại trà cho người dân vào năm 2021.

Trong khi các nhà khoa học, phòng thí nghiệm và các chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực hết mình, chạy đua với thời gian để tìm ra liều thuốc công hiệu, an toàn phòng ngừa COVID-19, một cuộc đua khác cũng đang diễn ra song song, khốc liệt không kém, nhưng với những hệ lụy không hề nhỏ. Đó là cuộc đua "đặt cọc", trong đó các nước giàu dốc hầu bao để đặt cọc cho các hãng dược với mong muốn có được vaccine trước tiên ngay khi ra đời.

Đi đầu là Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã mở chiến dịch “Wapr Speed” (Trên tốc độ ánh sáng) để tăng tốc quá trình triển khai vaccine nhằm giành được ưu tiên tiếp cận vaccine cho 300 triệu dân Mỹ. Để làm được như vậy, Washington đặt cược vào nhiều nơi cùng một lúc, đầu tư hàng tỷ USD cho các chương trình khác nhau. Cuối tháng 7, Nhà Trắng thông báo tăng gấp đôi tiền đầu tư, gần 1 tỷ USD, để hỗ trợ công ty Moderna triển khai vaccine. Trước đó, liên minh hai công ty Đức - Mỹ BioNTech và Pfizer cho biết Washington sẽ rót 1,95 tỷ USD, nhằm bảo đảm có được 100 triệu liều trong trường hợp vaccine của hai hãng này được cấp phép sử dụng. Hai hãng dược Sanofi và GlaxosmithKline cũng xác nhận Chính phủ Mỹ sẽ chi 2,1 tỷ USD để mua vaccine do mình sản xuất. Mới đây nhất, ngày 6/8, Chính phủ Mỹ thông báo chi hơn 1 tỷ USD để mua 100 triệu liều vaccine tiềm năng của hãng dược Johnson&Johnson, nâng tổng mức chi mua vaccine của Chính phủ Mỹ lên 5,1 tỷ USD.

EU đã quyết định dùng quỹ khẩn cấp mang tên Công cụ hỗ trợ khẩn cấp (ESI) 2,4 tỷ euro để có quyền tiếp cận ưu tiên tất cả các loại vaccine tiềm năng trong tương lai. Trong số này có hợp đồng ký với công ty dược phẩm AstraZeneca nhằm cung cấp 400 triệu liều vaccine vào cuối năm nay.

Không đứng ngoài cuộc, Anh tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận nhằm đảm bảo nước này sẽ được cung cấp trước vaccine tiềm năng của hãng dược GlaxoSmithKline và Sanofi. Trong khi đó, hãng điều chế vaccine Valneva của Pháp cho biết Anh cam kết đầu tư một khoản tiền ban đầu trị giá 10 triệu bảng (13 triệu USD) để tăng cường khả năng phát triển vaccine, và dự kiến sẽ hoàn tất một gói đầu tư đầy đủ trong vài tuần tới. Nhật Bản cũng đã đặt mua 120 triệu liều vaccine của BioNTech.

Vaccine ngừa COVID-19 và trách nhiệm sẻ chia - ảnh 2

Thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Sao Paulo, Brazil, ngày 21/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro quyết định dành 1,9 tỷ reais (tương đương 356 triệu USD) để mua và tiến tới sản xuất vaccine của Oxford/AstraZeneca. Công ty Pfizer và BioNTech cũng đã ký thỏa thuận cung cấp cho Canada một loại vaccine thử nghiệm BNT162 mRNA trong cả năm 2021. Trong khi đó, công ty Moderna của Mỹ cho biết đã nhận được 400 triệu USD đặt cọc cho việc cung cấp vaccine trong tương lai.

Tại châu Á, Indonesia và Philippines đang “để mắt” tới vaccine của Trung Quốc, trong khi Singapore hợp tác với các hãng dược phẩm Mỹ.

Những cái tên còn dài cho thấy đang diễn ra cuộc cạnh tranh nhằm sở hữu vaccine. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hệ lụy nhãn tiền của cuộc đua này là vấn đề giá cả leo thang và nguồn cung hữu hạn, đặt ra khó khăn không nhỏ đối với các nước nghèo. Nhiều chuyên gia dự tính giá thành một liều vaccine COVID-19 trên thị trường có thể từ 50 - 60 USD. Các nước nghèo sẽ không có đủ khả năng tài chính để mua hàng triệu liều cần thiết. Và ngay cả khi giá cả tăng cao, vaccine COVID-19 cũng sẽ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu trong đại dịch.         

Giám đốc chương trình y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, Thomas Bollyky, cảnh báo: "Cuối cùng thì nguồn cung vaccine chỉ có hạn. Chúng ta có thể mở rộng, nhưng chỉ ở mức hạn chế". Các chuyên gia ước tính thế giới có thể hy vọng một cách có cơ sở rằng sẽ có khoảng 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021 nếu nhiều "ứng cử viên" vaccine được chứng minh hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm cuối cùng. Nếu tìm cách chủng ngừa cho toàn bộ người dân Mỹ, và toàn bộ công dân EU, với đủ hai liều vaccine, cũng cần tới 1,7 tỷ liều vaccine.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ví cuộc chạy đua thứ hai nói trên giống như "một cuộc tranh cướp để dự trữ vaccine” giữa các nước giàu. Tổng giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley cảnh báo nếu các quốc gia và khu vực chỉ vì lợi ích riêng, tìm cách thu mua vaccine để cung cấp cho toàn bộ dân số nước họ, thay vì chia sẻ với các nước khác và bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất trước tiên, thì đại dịch COVID-19 sẽ không thể kiểm soát. Ông nói thêm rằng nếu một nhóm các quốc gia, hoặc thậm chí 30 hay 40 quốc gia có được vaccine, nhưng hơn 150 nước khác không có, thì "đại dịch này sẽ vẫn hoành hành".

"Chủ nghĩa dân tộc về vaccine" là vấn đề được Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu tâm, nhấn mạnh rằng việc các nước giàu hơn, dù có tìm cách sở hữu vaccine cũng không thể trở thành những "thiên đường an toàn" trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm virus. Ông Ghebreyesus khẳng định các nước giàu sẽ có lợi ích nếu đảm bảo rằng bất kỳ loại vaccine nào có thể được sản xuất để phòng COVID-19 đều được chia sẻ cho toàn thế giới.

Một tín hiệu đáng mừng, là trên 75 nước trên thế giới đã bày tỏ quan tâm muốn tham gia chương trình tài trợ COVAX nhằm đảm bảo việc tiếp cận nhanh và bình đẳng vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu. Theo GAVI, 75 nước này sẽ lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước để tài trợ cho chương trình COVAX. Các nước này sẽ phối hợp với 90 nước nghèo hơn được nhận hỗ trợ thông qua các khoản tài trợ tình nguyện cho Cam kết thị trường mở tiên tiến COVAX (AMC) của GAVI. Như vậy, đến nay có tới 165 nước, chiếm hơn 60% dân số thế giới, nỗ lực nhằm đảm bảo cho việc tiếp cận bình đẳng vaccine trên toàn cầu. 

Diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường của dịch COVID-19, khi mà nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã kiểm soát thành công đại dịch, nay lại phải đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, đang chứng minh một thực tế: “không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn”. Việc xóa bỏ đại dịch nghĩa là phải xóa bỏ trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyeus từng tuyên bố: “Cuộc đua tìm kiếm vaccine là kết quả của sự đoàn kết quốc gia, đoàn kết toàn cầu và là chiến thắng của tinh thần nhân loại”, đó cũng là cuộc đua của trách nhiệm hợp tác và sẻ chia. Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra cuộc khủng hoảng “chỉ có một trong một thế kỷ” đang buộc tất cả các nước và khu vực phải gồng mình đối phó suốt 8 tháng nay, chỉ có sức mạnh tập thể của tinh thần đoàn kết, đồng lòng và chia sẻ, kể cả trong tiếp cận vaccine, mới có thể giúp thế giới chiến thắng kẻ thù chung.

Theo TTXVN