Vải Bắc Giang sang Nhật bán gấp 10 lần giá vẫn "hết sạch trong vài tiếng"

14:45 | 28/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Công thương Bắc Giang dẫn tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật cho hay, 20 tấn vải thiều của tỉnh đã bán hết chỉ thời gian ngắn sau khi lên kệ hàng tại thị trường Nhật Bản, với giá gấp hơn 10 giá tại vườn.

Cụ thể, giá bán vải thiều Bắc Giang tại thị trường Nhật Bản dao động từ 350-500 nghìn đồng/kg, gấp hơn 10 lần giá bán tại vườn ở Bắc Giang.

Năm nay, Thương vụ Việt Nam tại Nhật cho biết đã phối hợp với các doanh nghiệp tại Nhật tạo ra các kênh bán vải online. Nhờ đó, thông tin về sản phẩm vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào Nhật bản đã sớm được người Nhật biết và đặt hàng. Cách làm này đã giúp lô 20 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang Nhật được tiêu thụ rất nhanh.  

Đây được coi là một thắng lợi lớn của vải thiều Bắc Giang. Những đánh giá tích cực bước đầu từ phía người dân Nhật Bản sẽ giúp tỉnh Bắc Giang tự tin xuất khẩu thêm 1000 tấn sang đất nước mặt trời mọc.

Bên cạnh đó, tiêu thụ được tại thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản, coi như vải thiều Bắc Giang sẽ có được giấy "thông hành" tiếp cận ra các thị trường khó tính khác. 

Vải Bắc Giang sang Nhật bán gấp 10 lần giá vẫn hết sạch trong vài tiếng - ảnh 1

Vải thiều Bắc Giang nhận được nhiều phản hồi tích cực tại Nhật

Theo thông tin từ Báo Bắc Giang, sau khi xuất khẩu thành công 20 tấn đầu tiên sang thị trường Nhật, ngày 28/5, Công ty cổ phần New Ag Tecnologies Việt Nam (Hà Nội) đã tiến hành mua 5 tấn vải thiều sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên) để xuất khẩu đi Mỹ. 

Toàn bộ số vải này được chăm sóc theo quy trình quốc tế GlobalGAP cho chất lượng quả vượt trội, cùi dày, giòn, ngọt thanh, mã đẹp. Vải ban đầu được xử lý bằng cách cắt cuống và đóng gói tạm thời trong thùng xốp. Tuy nhiên, vải sau đó xử lý tiếp tục tại một cơ sở ở tận Nam Định rồi mới xuất khẩu sang Mỹ.

Vải Bắc Giang phải xử lý tại Nam Định cho thấy hệ thống hỗ trợ xuất khẩu vải quả đang cần được xây dựng hoàn chỉnh và phù hợp hơn nữa. Điều này là cần thiết ở mức độ bắt buộc.

Vì theo ông Tạ Đức Minh - Tham tán Việt Nam tại Nhật Bản - cho biết năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ quan kiểm định phía Nhật Bản không cử chuyên gia sang giám sát trực tiếp các khâu đầu vào, đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng. 

Thay vào đó, phía Nhật đã ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam tiến hành thay khâu này. Do đó, thời gian và chi phí trong khâu chuẩn bị xuất khẩu được tiết kiệm đáng kể và tạo điều kiện cho sản phẩm vải thiều sang Nhật Bản dễ dàng hơn. 

Như vậy, trong điều kiện bình thường, phía Nhật sẽ yêu cầu người trồng và nhà xuất khẩu phía Việt Nam phải có đầy đủ các hạ tầng đảm bảo chất lượng và vệ sinh, bảo quản vải quả... giống như tại Nhật, thì mới có thể được chấp nhận cho xuất khẩu khẩu vào Nhật.

Tại thị trường Nhật Bản, vải là một loại quả có giá trị và được người dân nước này ưa chuộng. Vải được Hiệp hội Nhập khẩu hoa quả của Nhật Bản đánh giá cao. Loại nông sản này lần đầu được du nhập đến đảo Izu Oshima, Nhật Bản từ giữan thế kỷ 18. Sang cuối thời kỳ Edo, quả vải đã có mặt tại Kagoshima.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, vải nhập khẩu đến nước này chủ yếu từ 5 quốc gia. Đứng đầu là Trung Quốc với sản lượng 265 tấn khoảng 256 tấn, chiếm khoảng 60%, tiếp theo là Đài Loan với khoảng 127 tấn chiếm 30% sản lượng. Đứng thứ 3 là Mexico với 29.7 tấn và quốc gia còn lại là Hoa Kỳ với sản lượng xuất khẩu xấp xỉ 1.3 tấn.

Tại Nhật, vải là một thứ quả khá quý, ít bán trên thị trường, và chỉ trồng tại hai nơi là Okinawa và Kagoshima.

H.S

Xem thêm: Nông sản Việt hướng tới chinh phục thị trường Nhật Bản

ĐỌC NHIỀU