Vai trò của thương mại điện tử trong mùa dịch ra sao?
Cụ thể, tại ngày làm việc thứ ba của phiên họp sáng 22/7, Phó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính Phủ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Trong nội dung phát biểu liên quan đến vốn đầu tư xã hội thực hiện thì Phó Thủ tướng có đề cập đến thương mại điện tử đang có quá trình phát triển mạnh ở nước ta và đang trở thành kênh phân phối quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, hỗ trợ tích cực cho tiêu thụ nông sản.
Vậy trong thời gian qua, vai trò của loại hình giao thương số hóa này đã trở thành trụ cột mới của nền thương mại nội địa ra sao?
Cầu nối cho việc trợ giúp người nông dân bán được hàng
Có lẽ tỉnh Bắc Giang đã trải qua một vụ mùa thu hoạch vải thiều vô cùng đặc biệt. Cơn bão Covid-19 đã quét qua tỉnh Bắc Giang với cường độ rất mạnh. Lúc cao điểm, toàn tỉnh ghi nhận hàng nghìn ca dương tính. Đặc biệt, khi mùa vải thiều bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch và giao thương dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn cho bà con nông dân, những người chăm sóc vải quanh năm chờ đến ngày xuất bán.
Do đó, để thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ quả vải trong nước và xuất khẩu thì tỉnh Bắc Giang đã chủ động phân phối vải lên nhiều kênh, trong đó có sàn thương mại điện tử.
Bước ngoặt chính trong vụ mùa năm nay chính là đưa vải thiều Bắc Giang lên sàn TMĐT. Ảnh: Báo Thanh Niên
Điều này đã mang tới hiệu quả nhất định. Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, mùa vụ năm nay toàn tỉnh tiêu thụ được 215.852 tấn vải thiều (tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020), giá vải không biến động theo chiều giảm thậm chí còn tăng so với những năm chưa xuất hiện dịch.
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cũng đánh giá rằng việc mang vải lên các sàn TMĐT chính là mấu chốt giúp địa phương có một vụ mùa thành công bất chấp những ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh.
Ông Tấn tiết lộ thêm báo chí: Bắc Giang đã sớm bàn với Bộ Công thương đẩy mạnh quảng bá, đưa quả vải thiều lên các sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng như quốc tế. Vải thiều lần đầu tiên được quảng bá, phân phối tại 7 sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Post mart, Tiki, Shopee, Alibaba, Lazada. "Nếu như năm ngoái, vải thiều bán trên sàn thương mại điện tử chỉ được 7 tấn thì năm nay sản lượng bán trên các sàn thương mại điện tử này là trên 7.000 tấn, trên cả mong đợi".
Bên cạnh vải, các sàn TMĐT cũng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối các mặt hàng nông sản khác.
Sàn TMĐT Tiki đã ghi nhận khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày. Đối với mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày. Sàn TMĐT Lazada đạt sản lượng trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm khác.
Hiện tại, đã đến vụ mùa thu hoạch nhãn nên Bộ Công thương đang phối hợp cùng các tỉnh tiếp tục đẩy mạnh loại quả này lên các sàn, đặc biệt nhắm đến các thị trường nước ngoài.
Quá trình thực hiện xúc tiến thương mại đối với quả nhãn trên nền tảng số, đã ghi nhận gần 200 cuộc giao thương được diễn ra giữa gần 30 doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh, thành phố như An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên, Sơn La, Tiền Giang… cùng gần 70 nhà nhập khẩu đến từ nhiều quốc gia khác như Đức, Hà Lan, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Hỗ trợ Tp.HCM và các tỉnh phía Nam phân phối, cung ứng thực phẩm
Từ lúc dịch bệnh bùng phát trên diện rộng tại Tp.HCM và những địa phương phía Nam thì các sàn thương mại đã từng bước khắc phục khó khăn để tổ chức nhà cung cấp và nguồn hàng để cung ứng kịp thời cho người dân.
Cụ thể, các đơn vị thương mại số đã nhanh chóng triển khai các chương trình mua hàng không tiếp xúc như “Đi chợ tại nhà” của Sendo; “Tiếp sức Sài Gòn – Tiki trao tươi ngon” của Tiki; “Thực phẩm bình ổn” của Shopee hay Chương trình “An tâm ở nhà” của Voso. Tất cả nhằm mục đích cùng chung tay chung sức đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường Tp.HCM, đặc biệt là các thực phẩm tươi sống, lương thực, hàng thực phẩm.
Ảnh minh họa
Tác động của dịch bệnh, nên nhiều sàn nghĩ ra nhiều phương thức giao hàng nhanh mà vẫn đảm bảo công tác phòng dịch. Sendo kết hợp các nhà vận hành tạo ra các combo rau quả giao ngay, thịt tươi mỗi ngày áp dụng tại Tp.HCM. Các loại thực phẩm tươi sống đều được cung cấp đầy đủ và được tiêu thụ rất nhanh theo ngày. Bên cạnh đó, các sàn như Tiki, Shopee hay Lazada với các thực phẩm tươi sống tương tự cũng được tiêu thụ nhanh và liên tục tìm kiếm các nhà cung ứng mới, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Một số đơn vị như Voso và Postmart có lợi thế về logistics nên do đó đã tổ chức đa dạng phương thức cả bán bình ổn giá online kết hợp offline. Nhờ đó giúp việc vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các Bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã dễ dàng, người dân không rơi vào tình trạng khan hiếm lương thực mùa dịch.
H.S
Xem thêm: Mua hàng trên sàn thương mại điện tử: Lời khuyên cần biết