Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích (Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Rustic Hospitality Group) là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về việc xây dựng, phát triển, quảng bá và đào tạo mảng du lịch nông thôn để cùng chia sẻ về những vấn đề vướng mắc chưa được tháo gỡ ở mảng du lịch đầy tiềm năng này.

PV: Là chủ một doanh nghiệp kinh doanh mảng du lịch theo hướng du lịch nông thôn, trong đó có các hình thái như du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Với kinh nghiệm của một người nhiều năm tham gia lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của du lịch nông thôn trước dịch Covid-19 và sau dịch Covid-19? Có sự thay đổi ra sao?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích: Theo như kinh nghiệm của tôi đã thực hiện các dự án về du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái ở thời điểm trước Covid-19 như dự án Mekong Rustic, dự án du lịch cộng đồng ở Lào Cai, Hà Giang, Sóc Trăng thì tôi nhận thấy loại hình du lịch này nở rộ tại các tỉnh.

Các mô hình là hộ kinh doanh cá thể tại các điểm đến đã gắn với các hoạt động du lịch và nông nghiệp nhưng các mô hình chưa theo một tiêu chí nào, một số còn tự phát và việc phối hợp giữa ngành nông nghiệp với ngành du lịch chưa được chặt chẽ, nguồn nhân sự tham gia các hoạt động này chưa có kiến thức tổng hợp cả về du lịch lẫn nông nghiệp nên việc xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là chưa thực sự hiệu quả, sản phẩm du lịch còn đơn điệu và phục vụ cho phân khúc trung bình thấp.

Sau Covid-19, theo thống kê của booking.com thì nhu cầu của du khách thay đổi rất lớn, nhất là các dòng khách trung và cao cấp, họ muốn tìm những nơi yên bình, thiên nhiên và gắn với văn hoá bản địa nhiều trải nghiệm. Họ thích đi nhóm nhỏ đến những vùng nông thôn còn hoang sơ và thưởng thức những đặc sản vùng miền, giao lưu với người dân địa phương.

 

Tuy nhiên, các khu du lịch cộng đồng cũng chưa đáp ứng được do thiếu nguồn nhân lực, tái đầu tư và thay đổi sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Hiện tại, chương trình nông thôn mới cũng đã có chính sách hỗ trợ các tỉnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và nông thôn nhưng cũng chưa phát huy được thế mạnh của nó vì vẫn vướng một số thủ thục hành chính để có thể phát huy được lợi thế này. Ngoài ra, chúng ta cũng vinh dự có 2 ngôi làng được Tổ chức Du lịch thế giới công nhận là Làng Du lịch tốt nhất thế giới là làng Thái Hải ở Thái Nguyên và Làng Tân Hoá ở Quảng Bình.

PV: Ông từng chia sẻ cái khó nhất của việc phát triển du lịch nông thôn là thiếu “thủ lĩnh cắm bản”. Ông cùng các cộng sự của mình đã tìm ra được hướng giải quyết cho việc này chưa? Và hướng đi đó như thế nào? 

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích: Theo tôi, để có ‘local heroes’ (Thủ lĩnh cắm bản) thì điều đầu tiên phải là người địa phương, họ yêu quê hương của họ và hi sinh lợi ích cá nhân của mình để xây dựng quê hương, bản làng mình và gìn giữ văn hoá, kiến trúc địa phương mà cha ông chúng ta để lại.

Họ là những người có tình thương, hiểu và có sự dũng cảm với những giá trị bản địa, với những người dân địa phương và xây dựng những đội ngũ cùng có chung một mục tiêu, một ước mơ phát triển quê hương mình thành một điểm du lịch điển hình, bền vững và nhiều tình yêu thương. Tôi cũng tìm thấy ở những người tiên phong như cô Hải – Trưởng làng Thái Hải (Thái Nguyên) hay chị Bảy ở Cồn Sơn (Cần Thơ) là những người gắn kết cộng đồng, yêu thương, chia sẻ đùm bọc lẫn nhau như anh em ruột thịt.

 

Như kinh nghiệm và mô hình chúng tôi đang thực hiện tại dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững, để có “Thủ lĩnh cắm bản”, chỉ có thể là tìm trong cộng đồng, và cũng có thể là doanh nghiệp địa phương và với sự hỗ trợ của chính quyền về chủ trương chính sách thúc đẩy cho việc phát triển du lịch cộng đồng cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức hỗ trợ kinh doanh như booking.com, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các quỹ hỗ trợ tài chính cùng nhau cam kết thực hiện và lấy người dân làm đối tác trung tâm để xây dựng mô hình sản phẩm du lịch bền vững.

PV: Ngoài yếu tố then chốt là đào tạo ‘Thủ lĩnh cắm bản’ thì không thể không nói đến OCOP. Trên 64 tỉnh thành trải dài khắp Việt Nam ta không thiếu của ngon vật lạ, thế nhưng một sản phẩm đúng nghĩa OCOP thành công ông thấy ở địa phương nào đang thực hiện ‘chuẩn bài’ nhất? Bí quyết của địa phương đó theo ông là gì?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích: Các tỉnh thành nước ta đều rất đa dạng sản phẩm nông nghiệp, đặc sản được chứng nhận OCOP nhưng những sản phẩm đạt được giải thưởng quốc tế và có quy mô lớn để xây dựng thành thương hiệu Việt Nam thì không có nhiều như gạo ST25 hay trà mãng cầu của Sóc Trăng hoặc các sản phẩm sen của Đồng Tháp… Theo tôi, các sản phẩm nông nghiệp ngoài việc chất lượng sản phẩm còn là quy mô sản xuất, câu chuyện về sản phẩm đặc biệt là kênh phân phối và truyền thông cho sản phẩm để nó không chỉ là thương hiệu của địa phương, tỉnh, hay quốc gia mà nó còn là thương hiệu Việt Nam trên thế giới.

 

Các sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch như là một kênh phân phối tại chỗ sẽ tạo được giá trị cao hơn vì du lịch là kênh đào tạo khách hàng, cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp. Bằng cách mở rộng thị trường theo hướng thuận tự nhiên đó, sản phẩm OCOP sẽ giúp cho kinh tế địa phương phát triển một cách bền vững, và đa dạng kênh bán hơn.

PV: Hiện nay cùng với sự phát triển thần tốc của mạng xã hội, các nước láng giềng điển hình như Trung Quốc hay Thái Lan, đều đã vận dụng triệt để công nghệ một cách sáng tạo (phát livetreams trực tiếp giới thiệu cảnh đẹp, thậm chí các cán bộ du lịch ở các địa phương cũng đóng vai trò làm đại sứ du lịch, đầu tư cảnh quay, phim ảnh để lan tỏa cảnh đẹp địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế...). Ở Việt Nam, với tư cách là người làm du lịch nông thôn, có thể gọi là ‘xuất khẩu tại chỗ’, ngoài yếu tố thiếu ‘Thủ lĩnh cắm bản’, theo ông chúng ta còn cần những yếu tố gì để có thể chuyển mình thu hút du khách hơn nữa? 

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích: Khi chúng ta có ‘Thủ lĩnh cắm bản’ rồi, thì yếu tố xây dựng đội nhóm tại địa phương là rất quan trọng, tiếp theo đó là kênh phân phối và câu chuyện truyền thông để truyền tải thông điệp đến khách hàng mục tiêu.

Chúng ta có đa dạng kênh truyền thông nhưng việc quan trọng trước khi truyền thông là dữ liệu khách hàng để quyết định chọn kênh truyền thông thật sự hiệu quả. Hơn nữa, các tỉnh cũng nên xây dựng chiến lược truyền thông thương hiệu và định vị sản phẩm đặc thù của các tỉnh vì các tỉnh vẫn chưa rõ ràng trong việc chọn điểm đến, sản phẩm du lịch nào là sản phẩm đặc thù, khác biệt so với tỉnh khác. Ví dụ: Ở Mekong, nếu tỉnh nào cũng định vị là du lịch sông nước, miệt vườn, cây trái, đờn ca tài tử thì sẽ không rõ nét việc du khách sẽ đi Bến Tre, Cần Thơ hay Đồng Tháp.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhiều kênh đối thoại công tư nhằm xây dựng một chính sách tổng thể từ địa phương đến trung ương để người dân, các thành phần tham gia hoạt động du lịch đều hiểu và thực hiện một cách phù hợp, hiệu qủa các chính sách của nhà nước.

PV: Được biết, hiện nay doanh nghiệp của ông đã và đang thực hiện khảo sát nhằm mở rộng một số khu du lịch sinh thái, là một người giàu kinh nghiệm, ông sẽ lưu ý đến các yếu tố nào để quyết định khai thác đầu tư du lịch ở địa phương? 

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích: Với tôi, yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất bởi nếu chúng ta có cơ hội tốt nhưng không có con người thực hiện cũng sẽ không có kết quả tốt. Ngược lại, nếu chúng ta đoàn kết, cùng tầm nhìn, phát triển sản phẩm du lịch một cách bền vững thì dù khó đến mấy chúng ta cũng thực hiện được. Ngoài ra, chính sách của Nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp quyết định chọn đầu tư tại địa phương nào đó. Nếu như, các địa phương thúc đẩy hỗ trợ, sẵn sàng chia sẻ khó khăn vướng mắc với doanh nghiệp thì các tỉnh đó sẽ thu hut được nhiều nguồn đầu tư mang tính chất bền vững.

PV: Sau đại dịch Covid-19, xuất hiện một xu hướng trở về thiên nhiên để chữa lành, bỏ phố về biển, bỏ phố về rừng, kéo theo đó là một số nhà khởi nghiệp trẻ cũng bước chân vào con đường khai thác các thế mạnh của du lịch địa phương mình để tạo sinh kế tại địa phương, ông có lời khuyên như thế nào với những nhà khởi nghiệp muốn làm giàu tại địa phương bằng du lịch nông thôn?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Bích: Đầu tiên, muốn khởi nghiệp cũng cần phải hiểu cái mình muốn, cái đích của mình và khát khao, động lực để khởi nghiệp. Tiếp theo thì cũng cần tham khảo ý kiến chuyên gia, xây dựng đội ngũ có tầm nhìn, kêu gọi nguồn vốn và quan trọng là khảo sát nhu cầu của thị trường khách mục tiêu. Nếu mình không đủ dữ liệu, việc khởi nghiệp để thành công sẽ lâu hơn, phải trả giá nhiều hơn và kết quả đến chậm hơn.

Chúng tôi vẫn luôn mong muốn tìm kiếm những người có động lực, khát khao tại địa phương, mong muốn cùng với họ để xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh của địa phương và kêu gọi các bên liên quan như chính quyền, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh cùng tham gia, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Khương Diệp Anh
Alex Chu
NVCC