Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng để phát triển bền vững

22:05 | 06/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp, cũng như góp phần đẩy lùi tiêu cực.

Nhằm nâng cao quả phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, sáng 6/8, Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp (Ban tổ chức 248) đã tiến hành “Hội nghị triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hà Nội và 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng”. Các địa phương tham gia cuộc phát động, bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh và Hải Phòng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức 248 cho hay, văn hóa vừa là mục tiêu cũng vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh.

Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng để phát triển bền vững - ảnh 1
 Các đại biểu thảo luận về văn hóa doanh nghiệp. Ảnh DNVN/HuongLan.
Trong một doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn là một tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, văn hoá, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội… tạo ra một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá, việc xây dựng văn hoá doanh nhân, doanh nghiệp là chính sách phát triển thương hiệu, là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị này hết sức có ý nghĩa, góp phần vào sự phát triển văn hóa nói chung của cả nước và của 9 tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mong muốn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp để tạo sức lan tỏa cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày càng sâu rộng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, đề cao đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với xã hội và cạnh tranh lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, Thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng chỉ tiêu về danh hiệu văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, ý nghĩa, niềm tin chủ đạo, nhận thức và phương pháp tư duy của cá nhân trong tổ chức.
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, sau ba năm thực hiện Cuộc vận động phát triển văn hoá doanh nghiệp  đã có nhiều mô hình xây dựng văn hoá doanh nghiệp của các doanh nghiệp tiêu biểu, các doanh nghiệp truyền thống được nhân rộng và được áp dụng rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup cũng có thêm mô hình để học hỏi, tham quan, giao lưu.
Văn hóa doanh nghiệp: Nền tảng để phát triển bền vững - ảnh 2
 Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội. Ảnh DNVN/HuongLan.
"Thông qua các hoạt động xây dựng văn hoá doanh nghiệp, sự đoàn kết, gắn bó của công nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp đã được xây dựng và phát triển trong thời gian qua, giúp tăng doanh thu của doanh nghiệp", ông Quốc Anh chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, về công nghệ, doanh nghiệp có thể mua được, con người cũng có thể thuê nếu trả mức lương cao nhưng văn hoá thì phải xây dựng và phát triển. Vì vậy, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt sẽ giúp công nhân viên, người lao động đoàn kết vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Vẫn theo ông Quốc Anh: "Nếu xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt còn hạn chế thì doanh nghiệp ngoại khi đầu tư vào Việt Nam sẽ mang theo văn hoá của họ và bản sắc của chúng ta sẽ bị mất đi. Vì vậy, song song với việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh còn cần xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt.
Văn hoá không bao giờ mất đi, còn công nghệ luôn luôn thay đổi nên các doanh nghiệp luôn luôn phải đầu tư thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm nhưng phải kiên định xây dựng văn hoá doanh nghiệp".