Vẫn nhức nhối TNGT liên quan đến nồng độ cồn

Vẫn nhức nhối TNGT liên quan đến nồng độ cồn - Ảnh minh họa Báo giao thông
Nhiều vụ việc đau lòng
Mới đây Hình ảnh camera đường phố ghi lại vụ TNGT kinh hoàng xảy ra tại tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Vũng Tàu. Chiếc ô tô điên lao trên đường lúc này là do rượu điều khiển. Người phụ nữ ngồi sau tay lái phương tiện này đã có mức vi phạm nồng độ cồn cao kịch khung. Hậu quả là 2 người chết tại chỗ, 5 người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, trong đó có người đa chấn thương rất nặng.
Trước đó, ngày 6/5, cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã ra Lệnh giữ người đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn cũng ở mức kịch khung. Hành vi vi phạm của tài xế này đã khiến 1 người chết, 7 người bị thương.
Vào tháng 6/2024, một nữ tài xế 23 tuổi ở Hà Tĩnh vi phạm nồng độ cồn lái xe gây tai nạn chết người đã bị tòa án tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Đầu tháng 7/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Thạch Hiêl (sinh năm 1987, ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) 4 năm tù về tội “Vi phạm qui định về tham gia giao thông đường bộ”. Trước đó, Hiêl điều khiển xe máy lấn sang làn đường bên trái theo hướng xe của mình và va chạm với xe máy của ông B chở theo con gái (sinh năm 2017) khiến ông B tử vong do chấn thương sọ não, con gái ông B và Hiêl bị thương. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn trong máu của Hiêl sau khi xảy ra tai nạn là 2.4mg/ml.
Có trường hợp người đàn ông gây sự, chống đối lực lượng CSGT trong suốt 1 giờ đồng hồ khi bị yêu cầu dừng xe, đo nồng độ cồn. Lực lượng chức năng đã phải dùng nhiều biện pháp mới có thể yêu cầu anh ta hợp tác đo nồng độ cồn. Kết quả nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế là 0,112mg/l. Không ai biết, hậu quả sẽ ra sao nếu nếu trường hợp vi phạm này không bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý?
Việc sử dụng bia, rượu thường xuyên từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người. Không chỉ trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, mà vào tất cả các ngày họ cũng tìm kiếm lý do để tụ tập nhậu nhẹt. Đáng lo ngại là, sau khi đã uống bia, rượu, những người này lại tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, cả gián tiếp, hoặc trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng cho bản thân và cộng đồng như đã nêu trên.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là rất cần thiết
Theo văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu, bia là 1 trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Lái xe sau khi sử dụng rượu, bia là hành vi nguy hiểm. Chất cồn có trong rượu, bia sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, gây ảo giác, làm mất khả năng tự chủ, giảm khả năng định hướng và điều khiển vận động, có thể gây tai nạn chết người. Chính vì thế, người dân không nên sử dụng rượu, bia trước khi lái xe, đã uống rượu bia thì không lái xe.
Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Chính vì vậy, việc Quốc hội quyết định cấm tuyệt đối nồng độ cồn là rất cần thiết.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, Nghị định số 100 của Chính phủ sau này là Nghị định 123 quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông do sử dụng rượu, bia. Chính vì thế, cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được.
Một con số thống kê cho thấy, trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn thì số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia đã giảm 25%, số người chết giảm một nửa và số người bị thương giảm 22% so với cùng kỳ năm 2022.
“Ngoài vấn đề an toàn giao thông thì chúng ta còn giải quyết vấn đề bảo vệ giống nòi, hạnh phúc gia đình, an ninh của xã hội. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta nâng cao được văn hóa uống rượu, bia thì có thể làm thay đổi cục diện quản lý nhân dân trong thời gian tới. Và với việc người dân chấp hành “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, chúng ta sẽ còn nhiều chương trình giáo dục nhân dân hiệu quả hơn” - ông Khương Kim Tạo nhấn mạnh.
Những con số này liệu đã đủ để nói rằng việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe là cần thiết? Theo ông Khương Kim Tạo, thời gian qua chúng ta thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề này khá tốt và sẽ còn phải tiếp tục làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. "Ngoài việc xử lý triệt để vi phạm, chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền. Có như vậy mới hình thành được một nếp văn hóa, nếp sống, nếp nghĩ tích cực. Làm sao để mỗi ngày, ngay cả các cháu nhỏ cũng đã mặc định trong đầu một suy nghĩ rằng "đã uống rượu, bia thì không lái xe". Như thế thì chúng ta mới có thể đạt được những thành công".