VCBS: Dư địa để NHNN giảm thêm lãi suất điều hành có thể không còn nhiều

Diên Vỹ 15:58 | 05/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong báo cáo vĩ mô tháng 5 cập nhật mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự phóng tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam khoảng 4,18%-4,39%, trong khi tăng trưởng cả năm ở mức khoảng 5,5-6%. Sức ép lạm phát dịu đi đang tạo điều kiện cho NHNN linh hoạt chính sách tiền tệ, dù rằng nhóm phân tích nhận định dư địa giảm thêm lãi suất điều hành có thể không còn nhiều.

 

Sản xuất đối diện nhiều khó khăn, tín hiệu lạc quan ở nhóm ngành dịch vụ

 

Theo VCBS, sang đến tháng 5, nhìn chung điều kiện sản xuất vẫn cho thấy những diễn biến không thuận lợi. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5%, làm giảm 1,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đáng chú ý, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục giảm xuống 45,3 điểm từ mức 46,7 điểm trong tháng 4.

Với những diễn biến này, nhóm phân tích nhận định khả năng các hoạt động sản xuất chưa thể hồi phục mạnh mẽ trong quý II. Xu hướng giảm này tương đồng với một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…

 

 Tháng 5 là tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số PMI của Việt Nam nằm dưới ngưỡng trung lập 50 điểm. Nguồn ảnh: VCBS

 

 

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước nhưng giảm 5,9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước nhưng giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9%. Theo VCBS, mức giảm mạnh hơn của hoạt động nhập khẩu so với xuất khẩu là yếu tố giúp duy trì cán cân thương mại thặng dư. Điều này phản ánh phần nào tình trạng nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất suy giảm. Đáng chú ý nhất là mức giảm tại các mặt hàng linh kiện điện thoại có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, về đầu tư, theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8%.

Trong khi sản xuất, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đều có dấu hiệu suy yếu, VCBS đánh giá nền kinh tế vẫn đang ghi nhận tín hiệu lạc quan tại nhóm ngành dịch vụ với trọng điểm là nhóm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống. “Dự báo quý II, dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trƣởng chính khi hoạt động sản xuất vẫn trong giai đoạn khó khăn”, báo cáo của nhóm phân tích nêu rõ.

Nhìn chung, VCBS đánh giá sẽ mất thêm thời gian trước khi các đơn hàng có thể tăng trở lại. Tuy vậy, khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng ổn định và trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 4,18%- 4,39%. Số liệu tăng trưởng dự báo cho năm 2023 đạt 5,5% - 6%.

 

Dự báo dư địa để NHNN giảm thêm lãi suất điều hành không còn nhiều

 

Cho cả năm 2023, VCBS kỳ vọng lạm phát bình quân quanh ngưỡng 3% trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng yếu đi do các khó khăn của nền kinh tế. Kèm theo đó, sự điều hành sát sao từ phía cơ quan quản lý cũng như diễn biến thuận lợi từ thị trường quốc tế là điểm cộng với lạm phát.

“Đây là cơ sở để NHNN thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đang gặp khó”, báo cáo của VCBS nhận định.

 

Trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 theo số liệu của Tổng cục Thống kê tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. VCBS đánh giá mức tăng rất nhẹ của CPI tháng 5 chủ yếu do nhóm giao thông giảm mạnh 2,98% và bù trừ lại mức tăng nhẹ của các nhóm hàng hóa khác. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tăng 4,83%, cao hơn mức CPI bình quân chung. 

 

 Sức ép lạm phát hạ nhiệt có thể tạo điều kiện cho NHNN linh hoạt chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo VCBS. Nguồn ảnh: VCBS

 

 

Với việc sức ép lạm phát giảm và những nỗ lực từ phía NHNN cũng như các ngân hàng thương mại, nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm nhiều hơn trong thời gian tới. Thực tế gần đây, NHNN đã có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại đồng thuận từ ngày 29/5, giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất kinh doanh có dấu hiệu chậm lại. 

“Mặc dù vậy, mức giảm chậm hơn lãi suất huy động do độ trễ chính sách và có mức độ tập trung cao vào một số doanh nghiệp ngành nghề ưu tiên. Trong khi đó, với việc lãi suất điều hành đã được NHNN điều chỉnh về mức thấp tương đồng với giai đoạn hỗ trợ dịch bệnh, dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành sẽ không còn nhiều nếu xét trên tổng thể các cân đối vĩ mô”, theo VCBS.

Trong khi đó, tại báo cáo thị trường tiền tệ tháng 5, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng đặt trong tương quan chính sách tiền tệ là “cứu cánh” đối với tình hình kinh tế trong nước, vẫn có khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10/2022.

Nhóm phân tích VDSC nhận định: "Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải mạnh dạn đi thêm một bước nữa, dùng công cụ lãi suất điều hành để tạo áp lực giúp mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế giảm thêm. Nếu điều này diễn ra, chúng tôi kỳ vọng bước đi này sẽ mang tính quyết định hơn, có tính đánh đổi cao hơn và có thể tạo tác động lan toả tốt hơn so với các đợt giảm đầu năm nay".

Tương tự, Chứng khoán Maybank Việt Nam cũng kỳ vọng trong ba tháng tới sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành của NHNN, với mức điều chỉnh giảm thêm 50 - 100 điểm cơ bản cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng.

 

Dự báo này dựa trên nhận định của Maybank rằng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm nay có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra. "Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, chúng tôi hy vọng việc hạ lãi suất sẽ được thực hiện tiếp trong ba tháng tới", chuyên gia Maybank cho biết.

Tuy nhiên, nhóm phân tích Maybank cảnh báo rủi ro với dự báo trên có thể xảy ra khi áp lực tỷ giá có thể tăng trở lại, khiến khả năng hạ lãi suất của NHNN bị hạn chế. Hiện tại, chênh lệch lãi suất với Mỹ đang thu hẹp do NHNN đã giảm lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed - tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Dù vậy, các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất từ tháng 6 này.

Từ tháng 3/2023 đến nay,  NHNN đã 3 lần liên tiếp điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành vào các ngày 14/3, 31/3 và gần đây nhất là 23/5.

Trong thông báo tối 23/5 về việc giảm lãi suất, NHNN cho biết, thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu phục hồi thiếu chắc chắn, lạm phát giảm chậm, rủi ro hệ thống ngân hàng phát sinh ở một số nền kinh tế lớn và nguy cơ suy thoái kinh tế khiến nhiều ngân hàng trung ương điều chỉnh chậm lại đà tăng lãi suất. Trong nước, tăng trưởng kinh tế còn nhiều khó khăn, lạm phát được kiểm soát; thanh khoản của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được đảm bảo.

Do đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN quyết định tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành thông qua 2 Quyết định 950 và 951.

Hai Quyết định này đã đưa Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm và lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. Cùng đó, Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.