VCSC nâng 34% giá mục tiêu cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không
Do mã này đã tăng 30% trong 3 tháng gần nhất nên mức giá mục tiêu mới được nâng lên cao hơn khoảng 14% so với thị giá hiện tại của ACV.
Việc nâng giá mục tiêu đến từ mức tăng 24% trong dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2026-2035 khi VCSC ghi nhận dự phóng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTA).
VCSC dự tính, khi ACV là chủ đầu tư cho đường băng của Long Thành, tổng công ty sẽ được phép thu phí cất cánh và hạ cánh từ dự án này.
Tòa nhà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, 58 Trường Sơn, Phường 2, Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Minh Hằng)
Trước đây, VCSC giả định khoản vốn xây dựng cơ bản cho dự án này là 99.000 tỷ đồng nhưng chưa ghi nhận khoản phí cất cánh và hạ cánh thu về trong dự báo lợi nhuận của ACV.
Theo nhóm phân tích, tác động tích cực trong tương lai có thể bù đắp một phần cho mức giảm gần 10% trong dự báo lợi nhuận ACV giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, VCSC giảm dự báo lợi nhuận ACV năm 2021, 2022 và 2023 thêm 41%; 2,9% và 3,7%, chủ yếu do lượng hành khách quốc tế dự kiến phục hồi chậm hơn khi COVID-19 diễn biến không đồng đều trên toàn cầu.
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ACV là một trong những đơn vị hưởng lợi mạnh mẽ nhất từ xu thế tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam.
VCBS cho rằng xu hướng hồi phục của lưu lượng hành khách dự kiến sẽ thể hiện mạnh mẽ từ năm 2021 và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ACV nhờ hoạt động kiểm soát dịch bệnh trong nước duy trì kết quả tích cực và quá trình phát triển vaccine đang có những tín hiệu rất lạc quan tại các cường quốc trên thế giới...
Cùng với đó, tính đến đầu tháng 11/2020, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất về cơ bản đã được hoàn tất. Dự kiến các đường băng sẽ bắt đầu được đưa vào khai thác trở lại từ tháng 12/2020, qua đó giúp ACV kịp thời hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao trong mùa cao điểm Tết Nguyên Đán 2021.
Ngoài ra, Dự án đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 chính thức được phê duyệt từ ngày 11/11 vừa qua. Với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 109.112 tỷ đồng, bao gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm và 1 nhà ga hàng hóa với công suất 1,2 triệu tấn/ năm, sân bay Long Thành sẽ trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của ACV trong dài hạn.
Bên cạnh những yếu tố có ảnh hưởng tích cực, nhóm phân tích của Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho rằng việc chậm triển khai các dự án hạ tầng đường không, đặc biệt là dự án T3 Tân Sơn Nhất và mở rộng T2 Nội Bài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của ACV trong thời gian tới.
Đánh giá cơ hội và rủi ro, VCBS dự phóng doanh thu năm 2021 của ACV đạt 13.256 tỷ đồng, tăng 76,5% so với kết quả dự kiến năm 2020. Lợi nhuận cho cổ đông công ty mẹ tương ứng tăng 160% lên 4.814 tỷ đồng.
Dù vậy, con số này vẫn khá thấp so với con số lợi nhuận 8.200 tỷ đồng trong năm 2019 và 6.135 tỷ đồng đạt được trong năm 2018.
Riêng năm nay, doanh thu của ACV dự kiến giảm 61% so với năm trước còn 7.500 tỷ đồng, lợi nhuận cho cổ đông có thể chỉ đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 80%.
Tăng trưởng năm tới có khả năng cao hơn do mức nền thấp của năm nay. VCSC dự báo lượng hành khách quốc tế có thể đạt 11,6 triệu trong năm 2021, tương ứng khoảng 28% lượng hành khách quốc tế năm 2019.
Lệ Vỹ