VEPR: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 ở mức 6,48%
Dựa trên cơ sở kết quả khá tích cực năm 2019
Báo cáo cho rằng năm 2019, kinh tế thế giới tiếp tục chứng kiến một năm đầy khó khăn. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam lại được các tổ chức quốc tế đánh giá là lạc quan hơn so với thế giới. Đúng như nhận định của Ngân hàng Thế giới, mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng trên đầu Việt Nam.
Thực tế, nhận định này được dựa trên cơ sở kết quả đạt được khá tích cực của Việt Nam, khi tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng vẫn là hai khu vực công nghiệp và xây dựng (50,4%) và khu vực dịch vụ (45%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, năm 2019, tăng trưởng năm nay có sự khác biệt so với năm trước, đó là chứng kiến mức tăng nhẹ của ngành khai khoáng (tăng 1,29%) sau 3 năm liên tiếp sụt giảm. Đối với ngành nông – lâm – thủy sản, tăng trưởng tuy thấp từ quý I do chịu ảnh hưởng xấu từ bệnh dịch và thời tiết, nhưng ngành thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng ấn tượng trên 6%.
Theo Báo cáo của VERP, PMI các tháng của năm 2019 tuy lên xuống thất thường, nhưng luôn ở mức 50 điểm. Tính đến hết năm 2019, chỉ số PMI đã đánh dấu chuỗi 49 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Điều này chứng tỏ niềm tin của các doanh nghiệp vào nền sản xuất là không thay đổi, họ vẫn hy vọng sản lượng sẽ tiếp tục mở rộng trong năm tới. Đó là triển vọng tích cực của khu vực sản xuất nói riêng và nền kinh tế nói chung trong thời gian tới.
VERP cho rằng một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 là tiêu dùng cá nhân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng 11,8% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng tương đối cao so với 3 năm về trước.
Đồng thời, chính sách tiền tệ trong năm 2019 cũng là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều bất động, rủi ro. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng biến động mạnh trong năm 2019 nhưng theo chiều hướng giảm dần. Việc hạ lãi để thúc đẩy tăng trưởng là xu thế tại nhiều nước trên thế giới trước tình hình ảm đạm, nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh
2020: Cần rất nhiều nỗ lực
Đánh giá về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 với dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,8%, CPI bình quân dưới 4%, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng Việt Nam phải cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Bởi vì, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Nhóm chuyên gia cho rằng năm 2020, hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng trong quan hệ thương mại quốc tế, nhất là hiện nay lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam ngày càng gia tăng tới hơn 71 tỷ USD, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ.
Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ cần rất thận trọng, khi mà Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam và Mỹ lại là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Cần thực hiện một chính sách vô cùng linh hoạt để đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là 1 trong những vấn đề lớn của Việt Nam trong năm 2020.
Đồng thời, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước, nhất là cải cách thể chế về kinh tế số, mô hình kinh doanh mới… Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được những cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại tự do, các chuyên gia tham dự Tọa đàm khuyến nghị.