Vì sao lượng thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh?
Nhập khẩu thép cán nóng tăng
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 6,493 triệu tấn thép các loại, trị giá hơn 4,777 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và tăng 12,2 về trị giá. Chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 8,225 triệu tấn thép các loại, với trị giá hơn 5,969 tỷ USD, tăng 48% về lượng và tăng 25,4% về trị giá. Trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới hơn 70%.
Riêng thép cuộn cán nóng (HCR) tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn, bằng 151% sản xuất trong nước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép cuộn cán nóng lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ đô la Mỹ, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ đô la Mỹ.
Về giá HRC nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45 - 108 USD/tấn.
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, thị phần bán hàng HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát, Formosa giảm từ 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023. Nguyên nhân là do không khai thác được hết công suất thiết kế và phải cạnh tranh thiếu công bằng với sản phẩm bán phá giá. Năm 2023, sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế, giảm mạnh so với mức 86% của năm 2021. Trong khi đó, lượng thép HRC nhập khẩu lên đến 9,6 triệu tấn, gấp 1,5 lần sản xuất trong nước.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) nhận định, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các “hàng rào” kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép của Việt Nam hiện nay.
Bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
Ngày 14/6/2024, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC từ Trung Quốc.
Trong thời hạn 45 ngày tính từ ngày xác nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ thẩm định hồ sơ và xem xét tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép HRC có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nội dung thẩm định hồ sơ sẽ bao gồm việc xác định chứng cứ về việc bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản đáng kể sự hình thành ngành sản xuất trong nước.
“Bộ Công Thương dù có quyết định khởi xướng điều tra vụ việc thì trước khi các kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng được ban hành, chưa có biện pháp nào được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu”, đại diện Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh.
Liên quan vụ việc này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã áp dụng biện pháp phòng vệ với thép cán nóng Trung Quốc. Lượng sản xuất của Thái Lan, Indonesia chỉ đáp ứng lần lượt là 43% và 65% nhu cầu tiêu thụ và từ năm 2019, hai quốc gia này đã có thuế chống bán phá giá bên cạnh thuế nhập khẩu tối huệ quốc (MFN) đang duy trì. Trong khi hiện nay, Việt Nam có năng lực sản xuất HRC đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ (8,5/12 triệu tấn), không có thuế nhập khẩu MFN và chưa có hàng rào thuế quan nào khác để bảo vệ sản xuất trong nước. Điều này đã khiến Việt Nam trở thành chỗ trũng cho hàng nhập khẩu.
Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại), nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…
Hiệp hội thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài. Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chiến lược phát triển công nghiệp thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững. Trong thời gian, chưa có Chiến lược phát triển ngành thép, cần có biện pháp quản lý đầu tư các dự án thép có quy mô lớn nhằm kiểm soát cân đối cung cầu, tránh lãng phí tài nguyên, vốn đất đai, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sản xuất tiêu thụ xanh…
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, thép là một trong những nhóm sản phẩm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sớm nhất. Nếu chỉ tính trong nhóm WTO, thép cũng là nhóm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. Theo WTO, từ năm 1995-2023, đã có 2.123 vụ kiện chỉ tính bán phá giá, chưa tính các vụ kiện phòng vệ thương mại khác như chống trợ cấp hay tự vệ. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, từ năm 2019 -2023, tổng số vụ việc chống bán phá giá đối với thép chiếm gần 49% số vụ việc cho cả 30 năm trước.
Riêng tại Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép, chiếm khoảng 46% tổng số các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam đến nay. Các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nước vận dụng nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường nội địa.
“Hiện nay, doanh nghiệp ngành thép đã làm quen và thành thạo hơn sử dụng phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi ích. Một vụ việc phòng vệ thương mại không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp nội địa sản xuất sản phẩm tương tự, nhà nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất khác liên quan. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể tiếp thu nguồn thông tin, cũng như bằng chứng ở tất cả các góc độ để xem xét việc áp dụng phòng vệ thương mại đó ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế xã hội liên quan”, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay.
Trước đó, ngày 19/3/2024, Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nộp cho Cục Phòng vệ thương mại hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Ngày 10/4/2024, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam có tổng sản lượng sản xuất chiếm 85% thị phần ngành tôn mạ trong nước đã làm đơn bác bỏ tư cách nguyên đơn của Tập đoàn Hòa Phát trong việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngày 14/6, Cục Phòng vệ thương mại thông báo hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ đầy đủ và hợp lệ.
Ngày 4/7, 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép đã có đơn phản biện gửi Bộ Công Thương trong vụ việc Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh nộp hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Đại diện 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cho rằng, nếu Việt Nam khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, việc này sẽ ảnh hưởng đến toàn ngành sản xuất tôn mạ và ống thép Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung.