Vì sao Mỹ quay lại tuyên bố theo đuổi hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc?

17:09 | 30/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hòa hoãn trong ngờ vực, Trung, Nhật cùng phản đối Mỹ áp thuế và Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hợp tác với Iran có thể là lý do khiến Mỹ quay lại tuyên bố muốn theo đuổi hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc.

Vì sao Mỹ quay lại tuyên bố theo đuổi hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc? - ảnh 1
Nguồn: Internet. 
Sau những thông tin tích cực về sự “tạm hoãn” những hành động có thể dẫn tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, ngày 29/5, Trung Quốc đã bày tỏ sự bất ngờ trước một tuyên bố của Nhà Trắng, trong đó nêu rõ Mỹ muốn theo đuổi các hành động thương mại nhằm vào Bắc Kinh, nguồn tin từ Reuters cho biết.

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ muộn nhất vào ngày 15/6 tới, Washington sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD có khả năng chịu mức thuế 25%.

Đồng thời, Mỹ sẽ thông báo các biện pháp hạn chế đầu tư và tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các cá nhân và thực thể Trung Quốc liên quan tới việc mua sắm công nghệ quan trọng về mặt công nghiệp. Tiếp tục theo đuổi vụ kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vậy vì sao Mỹ lại đi ngược với những sự đồng thuận Mỹ-Trung thời gian gần đây?

Hòa hoãn trong ngờ vực

Cụm từ “đe dọa” và  “đáp trả” luôn tồn tại trong rất nhiều tuyên bố từ phía Mỹ và Trung Quốc khi nói về bất đồng thương mại song phương. Thậm chí, khi hai nước tỏ thái độ hòa hoãn thì sự hòa hoãn này cũng luôn trong trạng thái ngờ vực.

Ngay khi các vòng đàm phán và tham vấn thương mại Mỹ-Trung được thống nhất, ngày 21/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc một mặt khẳng định đảm bảo lợi ích của người dân hai nước cũng như toàn thế giới, một mặt “hy vọng” sẽ không có thêm xáo trộn nào trong quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ. Nếu Chính phủ hai bên đã đạt được một thỏa thuận tốt và được chấp thuận ở cả hai quốc gia thì cần phải tuân thủ thỏa thuận ấy, ông Lưu Hạc chia sẻ.

Cùng thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Trung Quốc đã cam kết nhập thêm "số lượng lớn" các mặt hàng nông sản từ Mỹ song không tiết lộ thêm chi tiết về những cam kết mà Bắc Kinh đã đưa ra trong cuộc đàm phán thương mại. Ông Trump cũng không chia sẻ thêm về những bước đi mà các đoàn đại diện của hai bên đã thống nhất sau các vòng đàm phán.

Giới chuyên gia kinh tế tỏ ra hoài nghi khi có thông tin về gói nhượng bộ của Trung Quốc đối với Mỹ, vì mức giảm thâm hụt 200 tỷ USD đòi hỏi sự điều chỉnh lớn về trao đổi hàng hóa giữa hai nước. Để đạt mục tiêu giảm thâm hụt này trên cơ sở bền vững đòi hỏi sự thay đổi lớn trong cấu trúc thương mại giữa hai nước, bởi thâm hụt hàng hóa của Mỹ đã lên tới 375 tỷ USD năm 2017.

Chấp nhận một thỏa thuận sơ bộ giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể làm suy yếu mục tiêu thuế ban đầu của Tổng thống Trump - buộc Trung Quốc từ bỏ các chính sách mà chính quyền Mỹ cho là nhằm đánh cắp công nghệ Mỹ.

Đây là lý do quan trọng giải thích tại sao Mỹ có thể ngay lập tức “dội gáo nước lạnh” vào Trung Quốc trong quan hệ thương mại song phương, giống như trước khi cuộc đàm phán thương mại diễn ra ngày 18/5, Tổng thống Trump tuyên bố "Tôi có vẻ nghi ngờ rằng các cuộc đàm phán hiện nay sẽ thành công”.

Phản đối Mỹ áp thuế: Bên cạnh Trung Quốc đã có Nhật Bản

Vì sao Mỹ quay lại tuyên bố theo đuổi hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc? - ảnh 2
Nguồn: Internet.  
Báo Wall Street Journal đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đề xuất mức thuế nhập khẩu ô tô lên tới 25% và đây sẽ là “đòn đau” đối với các nhà sản xuất ô tô châu Á vốn luôn coi Mỹ là thị trường chủ đạo, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngày 24/5, Nhật Bản và Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra các hoạt động nhập khẩu ô tô để thu thập cơ sở pháp lý cho việc áp thuế nhập khẩu mặt hàng này.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko cho rằng những mức thuế xem xét (có thể có tới 25%) sẽ làm hỗn loạn thị trường toàn cầu và đi ngược với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, ông Seko cho rằng sẽ thật đáng tiếc nếu biện pháp này được triển khai và đây sẽ trở thành một biện pháp hạn chế thương mại trên diện rộng có thể khiến thị trường thế giới rối loạn.

Đây được coi là lần “hiếm hoi” một chính trị gia Nhật phản ứng mạnh mẽ trước các vấn đề liên quan đồng minh thân cận Mỹ. Sản xuất ôtô là ngành công nghiệp chủ đạo tại Nhật Bản. Trong đó, ô tô chở khách chiếm tới 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản sang thị trường Mỹ.

Trung Quốc, quốc gia gần đây đang nhắm tới Mỹ như một thị trường xuất khẩu ô tô tiềm năng, cũng khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích của mình. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết Bắc Kinh phản đối việc lạm dụng điều khoản cho phép điều tra can thiệp hoạt động thương mại vì lý do an ninh quốc gia của Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống thương mại đa phương và làm gián đoạn trật tự trao đổi thương mại quốc tế thông thường.

Theo ông Phong, Trung Quốc sẽ giám sát chặt chẽ diễn biến vụ việc đồng thời đánh giá những ảnh hưởng có thể xảy ra để có biện pháp kịp thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của quốc gia này.

Sự phản đối cùng lúc của Nhật Bản và Trung Quốc về kế hoạch của Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra các hoạt động nhập khẩu ô tô có thể đã khiến ông Trump ngay lập tức phải quay lại tuyên bố muốn theo đuổi hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc để ngăn chặn những “thỏa hiệp” mới, không chỉ với Trung Quốc mà cả với Nhật Bản. Điều này có thể gây thiệt hại thêm cho kinh tế Mỹ.

Ngoài ra, quyết định quay lại tuyên bố muốn theo đuổi hành động thương mại nhằm vào Trung Quốc của ông Trump còn có thể xuất phát từ tuyên bố của Trung Quốc tiếp tục hợp tác với Iran bất chấp Mỹ trừng phạt.

Ngày 17/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác thương mại với Iran, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chuẩn bị tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ Chính phủ Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương.