Vì sao nhiều ngân hàng muốn 'nạp thêm' công ty chứng khoán?
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức mới đây đã thông qua kế hoạch mua lại một công ty chứng khoán trong năm nay, với định hướng xác định lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng đầu tư là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai.
HDBank dự kiến mua lại công ty chứng khoán có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất). Đồng thời, công ty chứng khoán này phải được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán; và có lợi nhuận 3 năm liên tiếp gần nhất.
Theo HDBank, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đây là tiền đề rất tốt cho thị trường chứng khoán phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam mới đạt tỉ lệ hơn 6% dân số, còn rất thấp so với mức từ 10 - 15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy, tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.
Ngoài ra, các chính sách của Chính phủ cũng đang rất quyết liệt chỉ đạo các giải pháp sớm hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, qua đó sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển tốt hơn.
Vì thế, HDBank cho rằng, việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp HDBank mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu thông qua cung cấp các dịch vụ như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp. Ngoài ra, ngân hàng còn có cơ hội bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ… Từ đó, gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng.
Thực tế, với triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong tương lai, việc HDBank muốn sở hữu công ty chứng khoán để đẩy mạnh phát triển nghiệp vụ đầu tư cũng như gia tăng cơ hội bán chéo sản phẩm là điều dễ hiểu.
Chứng khoán đầu tư vốn dĩ là nghiệp vụ truyền thống của các ngân hàng lâu nay. Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá; trong đó, chủ yếu là chứng khoán nợ, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các tổ chức tín dụng. Các hoạt động này của ngân hàng hiện nay chủ yếu đều do các công ty chứng khoán là công ty con hoặc đối tác chiến lược đứng ra thực hiện.
Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2020 - 2021, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, thì nhiều ngân hàng cũng ghi nhận khoản lãi lớn từ mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư mang đến. Đây cũng là lý do mà một số ngân hàng thương mại cổ phần đã mua lại cổ phần, góp vốn vào công ty chứng khoán trong thời gian qua.
Đơn cử, đầu năm 2022, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố về việc đầu tư mua, nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông tại Công ty cổ phần Chứng khoán ASC.
Cụ thể, VPBank nhận chuyển nhượng 26,186 triệu cổ phần từ ASC, tương đương 97,42% vốn công ty chứng khoán này từ các cổ đông hiện hữu. Sau giao dịch, VPBank trở thành công ty mẹ, chi phối hoạt động của ASC.
Ngay sau đó, Chứng khoán ASC đổi tên thành Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBank Securities). Đến cuối năm 2022, VPBank Securities thông báo đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 8.920 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm đó.
Đáng chú ý, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 mới đây, ông Trần Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, dù mới ra nhập hệ sinh thái VPBank, song VPBank Securities đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng vào lợi nhuận hợp nhất cho ngân hàng này. Với tiềm năng tăng trưởng của ngành chứng khoán, VPBank dự kiến lợi nhuận của VPBank Securities sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay.
Trước đó, VPBank từng là cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán VPS - công ty đang có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất hiện nay. Năm 2016, VPBank đã thoái vốn khỏi công ty này do vốn của ngân hàng khi đó không lớn mà cần tập trung vào mảng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vốn của VPBank dồi dào, cho phép ngân hàng có thể quay trở lại phát triển mảng ngân hàng đầu tư, mở rộng dịch vụ.
Không riêng VPBank Securities, đầu năm 2021, Công ty Chứng khoán Việt Nam GateWay cũng đổi tên thành Công ty Chứng khoán KS Securities và gia nhập cùng hệ sinh thái với Ngân hàng TMCP Kiên Long.
Hay trước đó, năm 2019, Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tiền thân là Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) cũng chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng TPCP Tiên Phong (TPBank). Đến quý IV/2020, TPBank thông báo hoàn tất mua 5,05 triệu cổ phần của TPS, tương đương sở hữu tổng cộng hơn 9 triệu cổ phần, tương đương 9,01% vốn điều lệ TPS.
Trong năm 2022, báo cáo tài chính của một số ngân hàng cho thấy, doanh thu phí từ hoạt động ngân hàng đầu tư bị sụt giảm khá nhiều, do thị trường cổ phiếu suy giảm, nhiều doanh nghiệp hoãn thực hiện IPO hoặc kế hoạch tăng vốn; và những quy định chặt chẽ đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tình hình này sẽ được cải thiện khi thị trường chứng khoán tăng trưởng trở lại. Về mặt trung và dài hạn, các dự báo đều cho thấy còn nhiều dư địa tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Việt Nam khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sở hữu tài khoản chứng khoán lên 10% vào năm 2030; định giá thị trường chứng khoán đang ở mức hấp dẫn, bất chấp những khó khăn trong ngắn hạn…
Các ngân hàng theo đó có thể phối hợp với công ty chứng khoán con để mở rộng hệ sinh thái ngân hàng đầu tư, phục vụ khách hàng có nhu cầu đầu tư như đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ, môi giới chứng khoán, cho vay margin…. Điều này không chỉ tạo ra giá trị gia tăng tốt hơn cho cả hai bên mà còn giúp ngân hàng hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Đây có thể sẽ là động lực tăng trưởng mới của một số ngân hàng, mang lại khoản thu nhập ngoài lãi tốt hơn cho các ngân hàng trong thời gian tới.