Vì sao nhiều người sẵn sàng bỏ vài triệu USD để có được hộ chiếu đảo Síp?
Mới đây, việc ông Phạm Phú Quốc - đại biểu Quốc hội TP HCM khóa XIV có tên trong danh sách người có hộ chiếu của Quốc đảo Síp (Cyprus) đang thu hút sự chú ý trên truyền thông. Mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được bài báo nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng).
Trao đổi với báo Dân Trí sáng 27/8, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - cho biết, hiện nay Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã yêu cầu ông Phạm Phú Quốc giải trình, sau đó đoàn sẽ trao đổi và báo cáo Thường trực Thành ủy TP HCM. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ báo cáo lên cơ quan của Quốc hội để xem xét giải quyết sự việc đúng pháp luật.
Trước đó, trả lời trên báo giới, ông Quốc thừa nhận có quốc tịch đảo Síp vào năm 2018 và quốc tịch của ông do "gia đình bảo lãnh", đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Lãnh đạo Ban Tổ chức Thành uỷ TP HCM phân tích, trường hợp có 2 quốc tịch, thì ông Phạm Phú Quốc vi phạm quy định khi không báo cáo với cơ quan có thẩm quyền. Đến thời điểm này, Ban Tổ chức Thành ủy cũng chưa nhận được báo cáo nào nói về việc cán bộ thuộc quản lý của Thành uỷ sở hữu 2 quốc tịch.
Vì sao nhiều người muốn có hộ chiếu Síp?
Vậy, tại sao nhiều lại muốn mua quốc tịch thứ 2 cho bản thân và gia đình của đảo Síp, và vì sao những người này lại có nhiều tiền đến mức có thể đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la vào nền kinh tế Síp?
Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc.
Hộ chiếu Síp là cuốn sổ được thèm muốn ở nhiều quốc gia, vì nó cho phép chủ sở hữu dễ dàng du lịch, làm việc và giao dịch trên khắp Liên minh châu Âu. EU từng nhiều lần chỉ trích chương trình nhập cư của Síp, sau khi chương trình này ra đời vào năm 2013.
Đảo Síp hiện bị coi là cửa sau của châu Âu, mang đến rủi ro an ninh không nhỏ, vì những người có ảnh hưởng chính trị từ các quốc gia thù địch có thể dễ dàng xâm nhập EU. Dưới áp lực của EU, Síp đã thay đổi quy định nhập cư vào năm 2019. Nhưng nghiên cứu của Al Jazeera cho thấy nhiều "người có liên quan đến chính trị" (PEP) đã kịp sở hữu quốc tịch Síp trước khi sự thay đổi có hiệu lực.
Kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, hộ chiếu Síp trở thành một thứ đáng thèm muốn của nhiều người ở nhiều quốc gia, vì cho phép đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng trên khắp EU. Những người giữ hộ chiếu Síp cũng có thể đi lại tự do tới 174 quốc gia mà không cần xin thị thực. Nhà đầu tư cũng sẽ được sinh sống, làm việc, học tập và hưởng các phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế tại 28 nước EU.
Tại Síp, với bản chất là một "thiên đường thuế", các nhà đầu tư nhập tịch sẽ không bị đánh thuế thu nhập trong và ngoài Síp.
Bản đồ đảo Síp. Ảnh: Getty
Tháng 7/2020, Síp thông qua luật mới cho phép tước quyền công dân mà nước này đã cấp cho bất cứ ai được coi là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Síp. Tuy nhiên, luật này không áp dụng với các PEP.
Dù các PEP hiện được coi là không phù hợp để trở thành công dân Síp, nhưng luật mới vẫn còn kẽ hở, vì bất cứ ai có khả năng đầu tư 2,5 triệu đô la vào Síp đều có thể sở hữu tấm hộ chiếu vàng.
Theo Zing.vn, nếu muốn đầu tư vào một hoặc nhiều bất động sản cho mục đích thương mại hoặc du lịch tại Cộng hòa Síp, tổng số tiền mà nhà đầu tư phải bỏ ra để nhận quốc tịch sẽ ở mức 2,5 triệu euro.
Bên cạnh số tiền phải bỏ ra để nhận quốc tịch, nhà đầu tư cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Quỹ nghiên cứu và Đổi mới Síp cùng 75.000 euro nữa cho Tập đoàn phát triển đất đai Cộng hòa Síp.
Để giữ quốc tịch Síp, nhà đầu tư sẽ phải giữ các khoản đầu tư bất động sản tối thiểu trong 5 năm, không được phép bán đi trong thời hạn này và sau 5 năm phải giữ một bất động sản trị giá 500.000 euro để đăng ký làm nơi cư trú thường xuyên. Bên cạnh đó, mỗi 7 năm, nhà đầu tư phải quay trở lại Síp ít nhất một lần để duy trì quốc tịch.
Ngoài những khoản chi phí lớn trên, để hoàn thiện hồ sơ, nhà đầu tư và gia đình phải đóng phí nộp đơn quốc tịch là 2.000 euro và 5.000 euro phí quốc tịch với mỗi thành viên gia đình.
Quá trình trở thành công dân quốc đảo Síp
Cũng theo nguồn tin của Zing.vn, quá trình làm hồ sơ theo đơn vị trung gian môi giới cũng "rất đơn giản". Khi đã đủ yếu tố để tham gia chương trình nhập tịch đảo Síp, nhà đầu tư sẽ được đơn vị môi giới xin visa Síp và đưa từ Việt Nam đi khảo sát bất động sản tại quốc đảo này. Sau khi nhà đầu tư người Việt chọn được dự án ưng ý, đơn vị môi giới sẽ giúp mở tài khoản ngân hàng tại Síp.
Bước tiếp theo, nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng ủy quyền với luật sư và hợp đồng mua bất động sản, thanh toán tiền đặt cọc cho chủ đầu tư và trở về nước.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư muốn có quốc tịch Síp sẽ chuyển 2-2,5 triệu euro tiền đầu tư, luật sư hoàn thành thủ tục chuyển nhượng và lấy giấy chủ quyền trong khoảng 30 ngày tùy vào thời gian nhà đầu tư chuyển khoản. Đồng thời trong thời gian này, nhà đầu tư cùng gia đình sẽ chuẩn bị hồ sơ di trú.
Sau khi luật sư của đơn vị trung gian nộp hồ sơ, thời gian phê duyệt sẽ mất khoảng 6-7 tháng. Nếu hồ sơ được phê duyệt sau thời gian này, cả gia đình nhà đầu tư sẽ trở lại Síp để lấy thông tin sinh trắc học.
1 tuần sau đó, nhà đầu tư sẽ được trợ giúp lấy dấu vân tay để làm hộ chiếu cho bản thân và các thành viên gia đình còn lại sẽ nhận quốc tịch theo diện đoàn tụ gia đình vào 6 tháng sau.
Liên quan đến việc này, báo Tuổi Trẻ đưa tin, với tên gọi "The Cyprus Papers" (Hồ sơ Síp), các bài của Al Jazeera đã hé lộ việc Síp "bán" hộ chiếu cho cả những tên tội phạm bị kết án và những kẻ đào tẩu khỏi pháp luật. Hàng ngàn trang tài liệu liên quan cũng được công bố.
Chính quyền nước này cam kết sẽ loại bỏ hồ sơ những người đang bị điều tra, truy nã, bị kết án hoặc đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế. Việc công bố tên những người "đã mua" tiếp tục bị phản đối, nhưng Síp cho biết sẽ có khoảng 30 người bị tước "hộ chiếu vàng".
Lệ Vỹ (T/h)