Vì sao TP.HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch?

18:28 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, 2 tuần là quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh, số F0 có thể được kéo giảm.

Chiều 12/9, trao đổi bên lề buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố đã chuẩn bị những chiến lược cụ thể để đạt "mục tiêu kép" khi từng bước mở lại các hoạt động.

Chiến lược của thành phố sẽ bao gồm các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ, huy động nguồn lực, an ninh quốc phòng, dân vận, hệ thống chính trị...

"Vì sao gọi là chiến lược, vì chúng ta xác định phải sống trong thời kỳ này dài hơn, vì chúng ta không thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định, cũng không thể thực hiện giãn cách nghiêm ngặt kéo dài. Thành phố tính toán từng bước bằng các chiến lược đảm bảo an toàn, an toàn mới mở, mở phải an toàn", ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lý giải việc cần thêm thời gian để kiểm soát dịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết thời gian qua, thành phố đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch trước 15/9 như yêu cầu của Nghị quyết 86. Sau thời gian giãn cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, những nỗ lực bước đầu cho thấy hiệu quả.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Nên thẳng thắn nhìn nhận nhiều nơi tại TP.HCM vẫn chưa đạt được mục tiêu kiểm soát dịch như tiêu chí của Bộ Y tế. Hiện, huyện Củ Chi, Cần Giờ, quận 7 cùng một số nơi đã tiệm cận với tiêu chí của Bộ Y tế.

"Tuy nhiên, thành phố chưa tìm được sự ổn định về dịch tễ tại các địa phương nên cần thêm thời gian. Đến khi sự ổn định được hình thành, chúng ta mới tự tin bước vào giai đoạn mới", ông Nguyễn Văn Nên nói.

Về việc TP.HCM cần thêm 2 tuần để kiểm soát dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định 2 tuần là quãng thời gian quan trọng và phù hợp với quy luật của dịch bệnh. TP.HCM đang có khoảng hơn 100.000 F0 cần quản lý, điều trị. Sau 2 tuần, số F0 trên có thể được kéo giảm, đồng nghĩa việc thành phố hạn chế, ngăn chặn được nguồn lây lan.

Bên cạnh đó, thành phố đang có tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ở mức cao. Sau 2 tuần, kháng thể của người đã tiêm chủng sẽ được nâng lên, tạo những hiệu quả về mặt dịch tễ.

"Với 2 lý do đó, cộng với các biện pháp khác nhằm ổn định tình hình, tăng cường, nâng cao chất lượng điều trị, chắc chắn thành phố sẽ có kết quả khả quan hơn bây giờ", Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM sẽ có điều chỉnh biện pháp giãn cách xã hội, có thể là Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 ở một số khu vực, và nếu khả quan hơn thì sẽ thực hiện theo trạng thái bình thường mới.

Trước đó, tại hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tối 11/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định có thể thành phố không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. Do đó, TP.HCM phải "xin thêm một thời gian nữa", có thể tới hết tháng 9/2021 để hoàn thành mục tiêu đề ra. Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố được giao thảo luận để có văn bản sớm xin ý kiến của Chính phủ.

Nghị quyết 86 của Chính phủ ban hành ngày 10/8 đặt mục tiêu TP.HCM kiểm soát được dịch trước 15/9. Đến nay, thành phố ghi nhận 291.871 ca nhiễm và trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, trong đó có 21 ngày siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".

Thành phố đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Kế hoạch phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế của TP.HCM sau ngày 15/9 với 3 giai đoạn dự kiến: từ 16/9 đến 31/10; 31/10/2021 đến 15/1/2022; sau 15/1/2022.

 

Theo HCDC, trong ngày 11/9, TP.HCM có 3.392 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 147.416 bệnh nhân. Số tử vong đang có khuynh hướng giảm trong những ngày gần đây.

Trưa 12/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay thành phố triển khai chiến dịch cao điểm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với mục tiêu bao phủ mũi 1 cho tất cả người trong độ tuổi và mũi 2 cho những người đã đến lịch tiêm. Việc tổ chức tiêm chủng do UBND quận huyện, thành phố Thủ Đức chủ động tổ chức.

Cập nhật đến thời điểm này có 292.403 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố, trong đó 291.930 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 39.433 bệnh nhân, trong đó 2.805 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 11/9 có 3.392 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện đến nay là 147.416 bệnh nhân. Số tử vong đang có khuynh hướng giảm trong những ngày gần đây.

Theo HCDC, thành phố triển khai chiến dịch cao điểm tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên tại TP.HCM từ nay đến ngày 15/9.

Đến ngày 10/9, thành phố đã tiêm 7.535.598 mũi vaccine, trong đó tổng số mũi 1 là 6.404.057, mũi 2 là 1.131.541; có 847.698 người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã được tiêm.

Từ 18h ngày 10/9 đến 18h ngày 11/9 đã xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại vùng cam, vùng đỏ là 406.024 người, có 5.355 người kết quả dương tính (tỉ lệ dương tính là 1,3%).

Hiện số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 96.270 người, trong đó có 64.622 trường hợp thực hiện cách ly tại nhà ngay khi phát hiện và 31.648 trường hợp cách ly sau xuất viện. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 25.580 người