Doanh nghiệp "toang" bởi dịch bệnh, chỉ còn tiền cầm cự một vài tháng

16:29 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khảo sát của Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress đã cho thấy thực trạng đáng báo động đối với khối doanh nghiệp đang dần cạn nguồn lực chống chọi với COVID-19

Đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa

Cụ thể, đến 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Phần lớn đây là các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể. Con số này tập trung phần lớn tại Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai - những địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước và thời gian giãn cách xã hội vẫn kéo dài. 

21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa bởi không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Lượng DN đóng cửa trong 1-3 tháng là 28,5% và khoảng 2,5% cho biết phải tạm ngưng hoạt động đến nửa năm và còn lại là những doanh nghiệp sẽ phải "ngủ đông" 3-6 tháng.

Nguyên nhân đóng cửa được các doanh nghiệp đề cập nhiều nhất trong khảo sát chính là đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa. Bởi phong toả, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hoá được lưu thông khác nhau.

Hiện các lĩnh vực dễ bị tổn tương nhất, trong báo cáo có đề cập cụ thể:  nhóm ngành thuỷ sản, dịch vụ và nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ giải thể cao nhất, kế đến là công nghiệp, xây dựng. Nhóm ngành xây dựng tạm dừng kinh doanh lên đến 76%. Tỷ lệ mất việc của nhóm ngành xây dựng cũng từng được phản ánh là cao nhất so với các khu vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ do giãn cách xã hội, dự án đóng băng hay thậm chí thị trường bất động sản liên quan mật thiết đến ngành này cũng đang gặp khó. 

Dịch vụ cũng chứng kiến tỷ lệ mất việc cao lên đến hơn 50%. Một số ngành dịch vụ lưu trú, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động từ tháng 5 đến nay do dịch lan rộng buộc nhiều địa phương áp dụng Chỉ thị 16, các nhà hàng khách hạng không được hoạt động. Ngoài ra mỗi địa phương áp dụng một quy định ra vào khác vào khiến doanh nghiệp lâm vào thế khó... 

Một vấn đề đáng lưu ý khác là nhiều doanh nghiệp đang chỉ còn nguồn tiền "cầm cự" sống dưới một tháng, tỷ lệ lên đến 40%. Con số này cao gấp 2,5 lần những đơn vị đang cố cầm cự hoạt động. 

Hộ kinh doanh là thành phần dễ chịu ảnh hưởng xấu bởi dịch nhất với 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 23,5%. Khả năng DN giải thể đang hiện rõ ngay trước mắt nếu không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài. 

Doanh nghiệp còn "đủ lực" để "sống" trong 1-3 tháng, khoảng 46%. Nhưng tỷ lệ này giảm dần và khả năng họ phải giải thể nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài. Tỷ lệ doanh nghiệp đang duy trì sản xuất có dòng tiền hoạt động hơn 6 tháng là 17%.

Hệ quả là gì? Khối DN gặp khó khăn buộc phải cắt giảm nhân lực để tồn tại, rơi vào vòng xoáy vay nợ ngân hàng, ngừng hoạt động như đã nêu ở trên... 

Các ngân hàng cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp

Khi được hỏi, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng thương mại cần có trách nhiệm san sẻ với người vay vốn và nền kinh tế. 

Báo chí gần đây đã phỏng vấn và nhận được câu trả lời của các chuyên gia kinh tế, nhiều người nhấn mạnh các ngân hàng thương mại vẫn thu lợi nhuận khủng là điều rất phản cảm trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đều bị kiệt quệ do dịch COVID-19 kéo dài.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng ký cam kết giảm lãi suất cho vay. Hiện chỉ có 16 ngân hàng và 4 ngân hàng quốc doanh làm việc này. Trong báo cáo hằng quý, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu từng ngân hàng phải gửi báo cáo toàn bộ danh sách khách hàng đã được giảm lãi suất cho vay để đối chiếu với cam kết của ngân hàng nhằm xem quy mô và mức giảm có như đã công bố. Với những thiệt hại mà đại dịch gây ra với người vay vốn, ngân hàng thương mại cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ khách hàng. 

ThS Trần Kim Long (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng Tp.HCM) cho biết, các tổ chức tính dụng cần ưu tiên hỗ trợ cho các khách vay gặp khó khăn và không còn nguồn trả nợ. Bên cạnh đó, cần tiến hành giãn trả nợ như các ngân hàng trên thế giới đang thực hiện để giảm ngay áp lực trả nợ, tạo động lực cho khách hàng trả nợ sau thời gian được ân hạn. 

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng dự theo năng lực, mỗi ngân hàng nên chủ động thu xếp nguồn vốn để giảm lãi suất cho vay. Những cá nhân, doanh nghiệp gặp khó thì đây là biện pháp hỗ trợ thiết thực và ý nghĩ nhất. Trường hợp những ngân hàng có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) rất lớn lên trên 30 - 50%, nên xem xét giảm lãi suất khoảng 1,5 - 2%/năm cho tất cả các khách hàng, kể cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp, không phân biệt mục đích sử dụng vốn, kỳ hạn vay ngắn hay dài.

Khi giảm lãi suất cho vay, tuy lợi nhuận của ngân hàng sẽ không bắt kịp với kế hoạch đặt ra nhưng đây là lúc ngân hàng thể hiện sự đóng góp của mình với nền kinh tế, với khách hàng. Ông Hiếu chia sẻ tiếp, bởi 10 đồng mà ngân hàng đang kinh doanh, chỉ có 1 đồng của chính họ, còn 9 đồng là huy động của xã hội.

Doanh nghiệp: Cần gấp nhiều chính sách hỗ trợ

Khảo sát của Ban IV và VnExpress cũng chỉ rõ những điều mà khối DN đang muốn nhận được lúc này.

Đầu tiên, chính là nhận được hỗ trợ vay lãi suất 1-3% một năm để trả lương, giống với những ý kiến mà chuyên gia đề cập ở trên. Bởi doanh nghiệp đang phải gánh quá nhiều chi phí và cũng cần nguồn lực để hồi phục sau dịch. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đòi hỏi được hưởng các chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền điện, nước, nhiên liệu hay giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội xuống thấp hơn... 

Ngoài ra, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt. Bởi nếu bị mất thị trường, mất khách hàng thì doanh nghiệp khó phục hồi sau dịch.

Họ cũng muốn Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để họ chủ động lựa chọn, áp dụng bởi hiện nay việc duy trì mô hình 3 tại chỗ vốn đang kéo dài và tốn kém. 

Về chiến lược tiêm chủng vaccine, doanh nghiệp muốn nhà chức trách có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng 70%. Đã có nhiều ý kiến đề xuất tăng tốc độ tiêm chủng vaccine bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm nhằm san sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế công cộng, nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội tái mở cửa và hoạt động lại bình thường. 

Cuối cùng, doanh nghiệp kiến nghị tận dụng công nghệ, tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư, tận dụng IT để giảm bớt thủ tục giấy... 

 

Theo VTV, nhiều doanh nghiệp không dám nghĩ đến lợi nhuận khi hoạt động trở lại, mà chỉ nghĩ xem lỗ bao nhiêu. Bởi các vấn đề về chi phí, tạm ngưng hoạt động dẫn đến giảm năng suất hoạt động đang bủa vây họ. 

Bên cạnh đó, chi phí logistics đang tăng phi mã cũng được coi là gánh nặng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN. 

Đơn cử giá thành 1 kg nhãn đầu mùa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU rơi vào mức 70.000 đồng. Tuy nhiên chi phí logistics và vận chuyển khiến sản phẩm bị đội giá lên tới 200.000 đồng/kg, nghĩa là chỉ riêng tiền trả cho logistics đã gấp tới 2,5 lần giá thành sản phẩm khiến hàng Việt rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, cước vận chuyển container tới các cảng của Mỹ đã tăng từ 1.800 USD mỗi cont lên 9.600 USD một cont. Riêng cảng New York, cước lên tới 18.000 USD một cont, cao gấp 7- 8 lần so với trước đại dịch COVID-19.