Việt Nam, Campuchia coi trọng đẩy mạnh kết nối kinh tế phát triển bền vững
Trong thời gian thăm Campuchia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, thăm Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk; hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum, Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm Đại Tăng thống Tep Vong và Đại tăng thống Bour Kry; dâng hoa tại Tượng đài tưởng niệm Thái Thượng Hoàng Norodom Sihanouk tại Cung Kantha Bopha, Đài Độc lập và Đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Kampuchea Thmey - một trong những nhật báo tiếng Khmer lớn tại Campuchia đã có bài viết "Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia ngày càng gắn bó, bền chặt.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, bài báo nhận định chuyến thăm đầu tiên của ông Nguyễn Phú Trọng trên cả hai cương vị Tổng Bí thư và Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia đang tiếp tục được củng cố và tăng cường trên mọi lĩnh vực, nhất là sau thành công của chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Samdech Hun Sen và chuyến thăm nghỉ dưỡng của Quốc vương Norodom Sihamoni vào tháng 12/2018.
Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, tiếp tục củng cố và tăng cường niềm tin chính trị, sự gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và tiếp tục vun đắp, đưa quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia lên tầm cao mới.
Theo Kampuchea Thmey, niềm tin và hợp tác chính trị giữa hai nước ngày càng được tăng cường. Việt Nam và Campuchia ngày càng phát triển toàn diện, ổn định, bền vững và đi vào chiều sâu.
Về lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, Kampuchea Thmey nhận định có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam tiếp tục dành cho Campuchia 930 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, Campuchia cũng dành cho Việt Nam 35 suất học bổng.
Quan hệ thương mại hai nước có bước phát triển mạnh mẽ cả về tổng kim ngạch và cơ cấu mặt hàng. Hiện nay, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 4,68 tỷ USD, tăng hơn 23,76% so với năm 2017.
Kampuchea Thmey cho rằng với sự quan tâm của Chính phủ hai nước, hợp tác đầu tư Việt Nam-Campuchia đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Hiện nay, Việt Nam là một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia với 206 dự án, quy mô bình quân mỗi dự án đạt hơn 20 triệu USD, đóng góp tích cực vào công tác an ninh, xã hội và phát triển kinh tế của Campuchia.
Trong khi đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về tiềm lực kinh tế, song Chính phủ và các doanh nghiệp Campuchia vẫn có những nỗ lực xúc tiến đầu tư một số dự án tại Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây số dự án và vốn đầu tư có sự gia tăng đáng kể.
Đến nay, Campuchia có khoảng gần 20 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 58 triệu USD, đứng thứ 51 trong tổng số 116 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Kết thúc bài báo, Kampuchea Thmey dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhấn mạnh mối quan hệ đoàn kết Việt Nam-Campuchia là đoàn kết thật lòng, đoàn kết bằng hành động, không phải đoàn kết bằng miệng.
Toàn cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng và việc chọn Lào, Campuchia là những nước đến thăm đầu tiên chính là khẳng định chính sách nhất quán và sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong quan hệ với Lào và Campuchia, hai nước láng giềng cận kề, có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời và có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt đối với Việt Nam.
Đối với Campuchia, chuyến thăm diễn ra khi Campuchia bước sang một giai đoạn phát triển mới với việc Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa được thành lập, đồng thời cũng đúng vào dịp hai nước vừa tổ chức trọng thể các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary.
Do vậy, chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực trong việc thắt chặt quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tiếp tục củng cố và tăng cường sự gắn bó, tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên dưới nhiều hình thức; phối hợp duy trì và nâng cao hiệu quả, tính thiết thực và hiệu lực của các cơ chế hợp tác giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo rất coi trọng đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế phát triển bền vững, lâu dài trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi; nhất trí nỗ lực thúc đẩy để tạo chuyển biến nhanh và hiệu quả hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 5 tỷ USD sau khi đã đạt mức 4,7 tỷ USD vào năm 2018; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư vào khu vực biên giới; nhất trí thúc đẩy để sớm ký kết Hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước.
Trong chuyến thăm, hai bên cũng đã ký Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2019-2020 giữa Bộ Công Thương của Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia.
Những thuận lợi này cùng với những kết quả quan trọng và toàn diện đạt được trong chuyến thăm chắc chắn sẽ tạo cơ sở vững chắc và là xung lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn Việt Nam- Campuchia ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.