Việt Nam chi gần 1 tỷ USD nhập khẩu gạo trong 9 tháng

Trang Mai 15:40 | 03/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5% so với cùng kỳ. Chiều ngược lại, nước ta cũng chi tới gần 1 tỷ USD gạo trong 9 tháng, và được dự báo lên tới 1,3 tỷ USD hết năm nay.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với trị giá 4,37 tỷ USD. Nếu tính về kim ngạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23,5%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta cũng tăng rất mạnh. Trong tháng 9 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta tăng vọt 154,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 117 triệu USD.

Lũy kế 9 tháng, Việt Nam đã chi tổng cộng 996 triệu USD để nhập khẩu các mặt hàng gạo về phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội địa, tăng tới 57,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cao kỷ lục của ngành gạo từ trước đến nay, đồng thời vượt xa kim ngạch nhập khẩu 860 triệu USD của cả năm 2023.

Nếu duy trì tốc độ nhập khẩu như trong 2 tháng vừa qua, kim ngạch nhập khẩu gạo của nước ta trong năm 2024 có thể lên tới 1,3 tỷ USD.

Chia sẻ với phóng viên, một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu gạo cho biết, do giá gạo trong nước ở mức cao, trung bình trên 600 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo nhập khẩu chỉ dưới 500 USD/tấn, nên những nhà sản xuất sản phẩm từ gạo như bún, phở, thức ăn chăn nuôi (chỉ cần những loại gạo dai, nở) sẽ dùng gạo nhập khẩu để làm nguyên liệu. Trong khi đó các loại gạo ngon, thơm hơn sẽ dùng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu với giá cao. 

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão lũ hoặc lượng hàng tồn không còn nhiều nên có thể một số doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu thêm gạo để đảm bảo số lượng đơn hàng đã ký từ đầu năm. 

Trong một diễn biến khác, sau hơn 1 năm cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, Ấn Độ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm này từ ngày 28/9. Điều kiện đi kèm là giá sàn xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm đến 40% thị phần trên toàn cầu. Thế nên, giới chuyên gia nhận định việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng sẽ ảnh hưởng đến thương mại gạo toàn cầu, trong đó các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan…

Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nhiều tháng nay hiệp hội đều tính đến việc Ấn Độ có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo bất cứ lúc nào. Theo đánh giá của VFA, các loại gạo của Ấn Độ chủ yếu cấp thấp, bán sang châu Phi, trong khi nhiều sản phẩm gạo thơm của Việt Nam chỉ có Thái Lan là đối thủ cạnh tranh. Cho nên trong ngắn hạn, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều. 

Thông tin trên TTXVN, tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng cho rằng việc Bộ Công Thương Ấn Độ ban hành lệnh dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với loại gạo thường phi basmati đồng thời quy định giá xuất khẩu tối thiểu đối với mặt hàng này là 490 USD/tấn là không quá bất ngờ.

Theo ông, trong thời gian gần đây, Chính phủ Ấn Độ đã xem xét tổng thể lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati, vốn được ban hành ngày 20/7/2023. Đặc biệt, dưới sức ép của các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh mới dỡ bỏ lệnh cũ nói trên.

Ông Bùi Trung Thướng cho rằng, quyết định mới sẽ có tác động đáng kể đối với thị trường gạo trên thế giới vì Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm tới 40-42% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới.

Điều này được thể hiện trong thời gian Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati hồi tháng 7/2023 khiến giá gạo trên toàn thế giới tăng mạnh.

Theo Tham tán Bùi Trung Thướng, nông dân và các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam nên tiếp tục theo dõi các động thái xuất, nhập khẩu của Ấn Độ cũng như của các nước trên thế giới.

Ông chỉ ra rằng, mức giá sàn 490 USD/tấn mới được Ấn Độ áp dụng tiệm cận với mức giá gạo xuất khẩu hiện nay của Việt Nam là 565 USD/tấn. Do vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục được duy trì ở mức phù hợp.