Việt Nam có nhiều thuận lợi trong cách mạng công nghiệp 4.0
84% dân số sử dụng điện thoại thông minh
Theo số liệu báo cáo Nielsen Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh so với số lượng những người sử dụng điện thoại thông thường chiếm 84% vào năm 2017, tăng 10% so với một năm trước (78%). Ở các thành phố thứ cấp, 71% người dân sử dụng điện thoại thông minh trong số 93% người sử dụng điện thoại di động. Đáng chú ý hơn, ở khu vực nông thôn, trong khi 89% dân số sử dụng điện thoại di động, thì đã có 68% trong số đó sở hữu 1 chiếc điện thoại thông minh.
Nhận xét về con số này, diễn giả Nguyễn Hữu Thái Hòa cho biết: Việt Nam đang có thuận lợi vô cùng lớn để tham gia vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi Việt Nam đang có một nền tảng hạ tầng và công nghệ thông tin rất tốt. Chỉ trong vài năm trở lại đây, số lượng người sử dụng Smart phone tăng lên một cách chóng mặt; Hệ thống wifi miễn phí được phủ sóng rất nhiều tại các thành phố lớn; Cước 3G, 4G nằm trong top rẻ nhất thế giới. Bên cạnh đó, sự đầu tư mạnh mẽ vào Internet, vào hạ tầng công nghệ của các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT... trong 15 – 20 năm qua đã tạo ra “một thị trường không thể dễ hơn” để làm công nghệ.
Mặt khác, diễn giả Thái Hòa cho rằng, trong 3 năm qua đã có một số điểm sáng dưới góc độ công nghệ 4.0, ví dụ như việc phổ cập hóa Facebook hay thành công của một số doanh nghiệp sử dụng công nghệ như Uber, Grab. Những tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam nhờ hệ thống hạ tầng công nghệ 4.0 đã quá sẵn sàng, họ thành công rất nhanh và kiếm được rất nhiều tiền.
Đối với lợi thế từ nguồn nhân lực, diễn giả Thái Hòa cho biết, người lao động Việt Nam không hề thua kém các nước, thậm chí còn thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt hơn rất nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, thế hệ trẻ của Việt Nam đã tiếp cận rất nhanh với những công nghệ mới. Điển hình là sự xuất hiện làn sóng khởi nghiệp của các bạn trẻ trong lĩnh vực công nghệ đã sáng tạo ra những phần mềm ứng dụng từ các nền tảng công nghệ số.
Những khó khăn cố hữu
Dựa theo bản đồ nghiên cứu sự chuyển động tài chính, diễn giả Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, nếu đặt vòng tròn 12 giờ bay xung quanh tâm Hà Nội thì Việt Nam hiện đang nằm trong vùng phủ sóng năm trung tâm tài chính toàn cầu và khoảng 40% dòng tiền trên thế giới. Tuy nhiên, dòng tiền dù vẫn chạy “điên cuồng” xung quanh, nhưng lại không chịu dừng ở đáy phễu. Nguyên nhân chủ yếu do thế giới liên tục thay đổi tiến lên thì tại Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ.
Bên cạnh đó, việc đưa ứng dụng công nghệ 4.0 được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước. Nhưng trên thực tế, những thay đổi về công nghệ mới chỉ thể hiện khá ít ỏi ở một số tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông, khi họ bắt buộc phải làm nghề gia công phần mềm, ứng dụng, quản lí Internet, hệ thống bảo mật như FPT, VNPT hay Viettel.
Thậm chí tại những đơn vị này khi ông có cơ hội được làm việc nhiều năm, sự thay đổi vẫn còn rất tụt hậu so với các nước trong khu vực. Mặc dù có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn do các rào cản về cơ chế của Nhà nước và tư duy ngại thay đổi của chính những đơn vị này – diễn giả Thái Hòa nhấn mạnh thêm.
Mặt khác, Cách mạng 4.0 đang vào Việt Nam nhưng vẫn mang nhiều tính đại chúng, phong trào và truyền thông hơn là hỗ trợ thực sự cho nền kinh tế và chưa đóng góp giá trị thực tế vào GDP.
Bênh cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với người nông dân Việt Nam vẫn còn khó khăn. Do công nghệ này đòi hỏi người nông dân phải sử dụng phần mềm phải thật linh hoạt. Trong khi, bản chất của nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển nhỏ lẻ và manh mún, sử dụng lao động thủ công là chính. Đây là một trong những rào cản lớn trong việc đưa công nghệ 4.0 vào nông nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại…Từ đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt, thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới. Nếu không chủ động, doanh nghiệp nội có nguy cơ thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực ngày càng mạnh.
Đổi mới để phát triển
Cùng với sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số, Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức to lớn đối với sự phát triển của từng quốc gia, các dân tộc cũng như mỗi cộng đồng, cá nhân và doanh nghiệp.
Đánh giá về vần đề này, CEO Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh. Trong tương lai, người dân có thể gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm hơn, bởi những lĩnh vực thủ công giờ đây máy móc đều có thể tác động đến, thậm chí làm tốt hơn. Sự phá vỡ thị trường lao động như vậy có thể làm xảy ra những vấn đề gây bất ổn về kinh tế xã hội hay thậm chí là kể cả chính trị. Điều này đòi hỏi con người cần phải không ngừng trau dồi bản thân, khiến mình đứng ở vị trí cao hơn, có thể điều khiển được máy móc một cách thông minh và hợp lí thì mới không bị đào thải giữa rất nhiều công nghệ tiên tiến hiện nay.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia đang phát triển. Lực lượng chủ lực khởi nghiệp sẽ là các doanh nghiệp số. Tuy nhiên, để lực lượng doanh nghiệp được tổ chức lại, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ. Đồng thời Chính phủ cần tập trung hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật để theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế số và công nghiệp thông minh.
Bên cạnh đó chính bản thân thân cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này cũng có những mặt hạn chế của nó. Chúng ta giờ đây sẽ càng phải lo lắng hơn về những bảo mật về thông tin cá nhân. Chính điều này đặt ra thách thức cho nước ta về việc cần phải tự nâng cao công nghệ của chính mình để có thể tạo ra một “hàng rào chắn” vững chắc cho những thông tin này.
Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực sự là cuộc cách mạng thay đổi Việt Nam nhưng vấn đề không nằm ở công nghệ mà ở cách chúng ta hành động. Nếu chúng ta không muốn thay đổi, không ai có thể giúp được chúng ta – diễn giả nhấn mạnh.